Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Ý NGHĨA
CỦA CHIẾN DỊCH CZ & CHIẾN THẮNG CẤM DƠI
Những  ngày cuối tháng 8 năm 1972, cách đây hơn 40 năm các hãng truyền thông phương Tây có đưa tin “Thung lũng Quế Sơn là nơi kinh hoàng và là một thất bại nặng nhất của quân Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa...”. Đó không chỉ là bình luận của giới truyền thông phương Tây mà chính là sự thừa nhận từ Lầu Năm Góc (cơ quan Bộ Quốc phòng Mỹ). Còn với ta, tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng này như thế nào? Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Cấm Dơi (19.8.1972 - 19.8.2012) là dịp ôn lại lịch sử hào hùng, sôi động trên thung lũng Quế Sơn năm xưa từ trận đánh để đời này.
Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi
     Năm 1972 được đánh dấu bởi nhiều chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta và là bước quan trọng chuẩn bị đặt dấu chấm hết lên bàn cờ xâm lược nước ta của kẻ thù. Tiếp sau chiến thắng Quảng Trị trong mùa hè “đỏ lửa” là chiến thắng Cấm Dơi vang dội trong mùa thu lịch sử năm 1972. Cả hai chiến thắng này đều là sự thể hiện sinh động nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta là “ giành thắng lợi quyết định trong mùa hè năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng hiệp thương trên thế thua” (Nghị quyết của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng  tháng 5.1971).
Toàn bộ Chiến dịch giải phóng thung lũng Quế Sơn (có mật danh CZ) được ghi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân ta diễn ra trong 26 ngày đêm (từ 23.7 đến 19.8.1972) và có thể chia làm 3 bước như sau: Bước 1 có tên gọi là bóc vỏ ngoại vi; bước 2 là đánh địch phản kích và bước 3 là tiến công tiêu diệt cứ điểm Cấm Dơi, Quận lỵ Quế Sơn.
Theo đó, rạng sáng ngày 23/7, Trung đoàn 38 (Sư đoàn 711), có sự phối hợp của du kích Sơn Long, Sơn Khánh, Sơn Thạch nổ súng tấn công tiêu diệt địch ở cao điểm Hòn Chiêng và Trung đoàn 31 (Sư đoàn 711), có sự phối hợp của du kích Sơn Lãnh, Sơn Thành nổ súng tấn công cao điểm Động Mông - Đá Hàm, mở màn Chiến dịch và thực sự bắt đầu những ngày “ngồi trên chảo lửa” (lời cố Đại tướng Chu Huy Mân - Nguyên Tư lệnh Quân khu V). Sau hơn một giờ chiến đấu ác liệt quân ta làm chủ hoàn toàn 2 điểm cao này và bước 1 của Chiến dịch kết thúc. Cao điểm Hòn Chiêng (được địch mệnh danh là “Con mắt thần” phía Tây Nam) và Động Mông - Đá Hàm (cách cửa thép phía Tây Bắc) căn cứ Cấm Dơi bị mở tung, đã khiến địch không những ở thung lũng Quế Sơn mà cả miền Trung rung động, buộc Ngô Quang Tưởng (Tư lệnh Vùng I chiến thuật của địch) phải bay vào Núi Quế lập sở chỉ huy nhẹ trực tiếp chỉ huy, xua quân phản kích, tái chiếm lại 2 điểm cao này. Sau 10 ngày tổ chức phản kích quyết liệt, đúng 17 giờ ngày 02.8.1972, Ngô Quang Tưởng đành phải ngậm ngùi để lại câu nói chua xót “Vĩnh biệt Hòn Chiêng” rồi lên máy bay về lại Đà Nẵng. Bước 2 của Chiến dịch hoàn thành, căn cứ Cấm Dơi và Chi khu quân sự Quế Sơn phơi mình chờ đợi phút lâm chung trong tầm ngắm gần của quân và dân ta. Thung lũng Quế Sơn trở lại yên ắng lạ thường, sau khi ta phát đi một mệnh lệnh ngắn gọn “ Các đơn vị dứt chiến, rút quân về hậu cứ làm lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám” lên sóng truyền tin và địch kháo nhau “Việt cộng rút quân về hậu cứ để mừng Cách mạng tháng Tám, bọn mình có thể yên tâm ăn no, ngủ kỹ một thời gian dài...”. Nhưng thật chất là ngày ấy không dài đối với chúng, đúng 05 giờ sáng ngày 17.8, Trung đoàn 31 (do đồng chí Nguyễn Văn Trí chỉ huy) và Trung đoàn 38 (do đồng chí Vũ Đình Nã chỉ huy), sư đoàn 711 do đồng chí Nguyễn Chơn làm Tư lệnh và đồng chí Nguyễn Huy Chương làm Chính ủy, có sự trợ chiến của bộ đội địa phương và dân quân du kích đã đồng loạt tấn công đánh chiếm Ấp Nhà Tằm, Ấp Thuận An và áp sát căn cứ Cấm Dơi. Rạng sáng ngày 18.8, cả thung lũng Quế Sơn rền vang tiếng pháo và cứ điểm Cấm Dơi ngập chìm trong biển lửa bởi các loại pháo của quân giải phóng, đặc biệt là hỏa tiễn tìm diệt mục tiêu B72, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng. Và với cách đánh vây lấn - tấn phá - tiêu mục tiêu, trong hai ngày 18 và 19.8, quân ta đã lần lượt bóc tung 12 lớp rào dày đặc bom mìn, 3 tầng hỏa lực thọc sâu vào căn cứ. Chiều 19.8, trước khi đặt chân vào sở chỉ huy địch thì đồng chí Vũ Đình Nã, Trung đoàn trưởng trung đoàn 38, nhận được điện của đồng chí Nguyễn Chơn, Tư lệnh Sư đoàn 711 báo tin tên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 ngụy Tôn Thất Lữ đã chui rào bỏ chạy rồi, yêu cầu đồng chí Vũ Đình Nã phải trực tiếp chỉ huy vây bắt. Đúng 15 giờ ngày 19/8, lá cờ quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam được cắm lên nóc hầm sở chỉ huy địch, báo hiệu thời khắc thất thủ của căn cứ Cấm Dơi và thung lũng Quế Sơn được giải phóng.
Thời gian sẽ qua đi, nhưng chiến thắng Cấm Dơi, những bài học và ý nghĩa lịch sử của nó vẫn vang vọng mãi trong lòng chúng ta, nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai. Đối với kẻ thù, đó là một đòn đánh đau, một cú điểm đúng huyệt vào một mắc xích trọng yếu trong hệ thống phòng thủ của chúng trên chiến trường Trung Trung bộ như chính Lầu Năm Góc đã thừa nhận “Mất Quế Sơn, Chi khu quận lỵ có căn cứ Cấm Dơi được phòng ngự mạnh vào bậc nhất Việt Nam, chứng tỏ quân đội Việt Nam cộng hòa không đủ sức đương đầu với quân cộng sản ở miền Nam Việt Nam”. Còn với chúng ta, đây chính là sự minh chứng tuyệt vời cho tư tưởng toàn dân vũ trang, toàn dân đánh giặc của tổ tiên ta như Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đánh giá “Chiến thắng Cấm Dơi là một thắng lợi lớn, toàn diện, thắng lợi của sự hợp đồng binh chủng, thắng lợi tuyệt đẹp của ba thứ quân và ba mũi giáp công...”. Đó chính là thắng lợi góp phần quan trọng vào việc mở đường tiến ra Đà Nẵng (hang ổ của Mỹ - Ngụy ở miền Trung), tiến vào Sài Gòn (dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền miền Nam) hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước bằng đại thắng mùa xuân năm 1975./.
                                                                                                Trung Nhân
         ( http://beta.qh-hdqna.gov.vn/Default.aspx?tabid=97&ctl=tcb&tc=149&mid=481

1 nhận xét:

  1. Tôi muốn nhờ các đồng chí thư viện tìm giúp thông tin về bảo đảm hậu cần chiến dịch Cấm Dơi - Quế Sơn có được không? Do thông tin về hậu cần còn quá ít, để phục vụ nghiên cứu rất mong được các đồng chí giúp đỡ. Xin chân thành cám ơn! Nếu được xin liên hệ: email:ntpteach@gmail.com ĐT: 0983147178

    Trả lờiXóa