Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017



NGHĨ VỀ NGÀY 27 THÁNG 7

Khi “ngọn lửa” yêu nước luôn bùng cháy và tỏa sáng trong triệu triệu trái tim dân Việt thì đất nước sẽ mãi mãi trường tồn.



Hôm nay là Ngày Thương binh Liệt sĩ. Đó là ngày mà cả dân tộc ta, đất nước ta tưởng nhớ về những người con anh dũng đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ. Tri ân những người có công với cách mạng, những người đã mất một phần thân thể vì nền độc lập dân tộc. Triệu triệu lời tri ân thành kính, triệu triệu trái tim con dân Đất Việt vẫn sẽ, vẫn mãi cháy bùng “ngọn lửa” tình yêu dân tộc, đất nước. Nhìn tấm gương lịch sử nước nhà, ai ai cũng tự hào.
Ngược dòng thời gian, chúng ta thấy trong lịch sử thế giới thật hiếm có một đất nước đã mất chủ quyền hơn 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn có thể dành lại nước. Trong lịch sử khu vực, Việt Nam là đại diện cuối cùng, duy nhất còn sót lại của đại gia đình Bách Việt vừa giành lại được độc lập, giữ được truyền thống văn hóa của người Việt, vừa hiên ngang trong tư thế của một quốc gia tự chủ tự cường, tự lập. Vì sao tổ tiên ta lại có thể giành được những thắng lợi lẫy lừng như vậy ?
Sức mạnh trường tồn của dân tộc, của nền văn hóa dân tộc càng được minh chứng thêm trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Một dân tộc Việt Nam bé nhỏ đã làm được là đập tan được mọi mưu đồ xâm lược, đồng hóa của thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất lúc bấy giờ bằng những chiến thắng vang dội, đánh dấu mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc, làm nức lòng dân tộc lẫn bạn bè thế giới.
Nhưng một lần nữa người phương Bắc lại làm gì? Trên đất liền, Năm 1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân ồ ạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc. Năm 1984, tại Vị Xuyên – Hà Giang xảy ra cuộc xung đột cực kỳ khốc liệt, để rồi trong cuộc chiến này hơn 4000 người con đã ngã xuống. Dưới biển, năm 1974 họ chiếm Hoàng Sa, năm 1988, đánh chiếm Trường Sa mà cụ thể là các bãi Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, tiếp đến là đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao mà hình ảnh Vòng tròn bất tử mãi khắc ghi trong tâm trí chúng ta. Rồi năm 1990 họ xâm lược bãi Én Đất.
Việc chỉ ra những sự kiện lịch sử trên để cho mỗi người chúng ta thấy thêm được giá trị, ý nghĩa của lịch sử dân tộc, của hai chữ hòa bình.Bởi xưa nay chúng ta chỉ được học sử qua những sự kiện nổi bật, qua những số liệu chiến thắng, còn chỉ nói ra sự đau thương, mất mát một cách rất chung chung. Tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc nó cần bắt đầu từ mọi đường hướng. Đặc biệt, khi lịch sử được xem là sự kết nối giữa danh dự cá nhân và dân tộc, nó trở thành điểm quy chiếu về giá trị và ý nghĩa tinh thần trong sự tồn tại và phát triển của dân tộc đó.
Xâu chuỗi các sự kiện lịch sử nước nhà, từ thời Phương Bắc bành trướng, cho đến thời thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Cho đến chiến tranh Biên giới với Trung Quốc ở trên đất liền và biển đảo và đến cái “đường lưỡi bò” ngang ngược của họ, để cho mỗi chúng ta, nhất là lớp trẻ ý thức được lịch sử nước nhà tuy oai hùng, nhưng cũng lắm đau thương. Và tin tưởng về hai chữ Chính nghĩa: “Kẻ dấy lên can qua bao giờ cũng thất bại dù lúc khởi đầu cuộc chiến mạnh đến đâu đi nữa”.
Biển Đông dậy sóng, đất liền cũng khó bình yên thì hơn bất kỳ lúc nào, mỗi người con nòi giống Lạc Hồng cần biết rõ lịch sử nguồn cội hơn bao giờ hết. Chính lịch sử và bản sắc hào hùng của dân tộc đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt Nam trên dải đất hình chữ S này. Khi “ngọn lửa” yêu nước luôn bùng cháy và tỏa sáng trong triệu triệu trái tim dân Việt thì đất nước sẽ mãi mãi trường tồn.
Thạc sĩ Lầu Văn Thanh

(http://dantri.com.vn/dien-dan/nghi-ve-ngay-27-thang-7-20160727005308593.htm)

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

QUẢNG NAM- MIỀN KÝ ỨC

"Quảng Nam  - miền ký ức" là tập sách gồm 33 bài ký của 18 tác giả là những văn nghệ sĩ - chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, cầm bút trên chiến trường Quảng Nam (NXB Hội Nhà văn ấn hành - 2017). Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh gắn với 42 năm giải phóng Quảng Nam (24-3-1975 - 24-3-2017), do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với các nhà văn từng sống - chiến đấu trên mảnh đất Quảng Nam thời lửa đạn thực hiện.
Từ năm 1954 đến những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, Quảng Nam ghi dấu nhiều sự kiện của một vùng đất đầy biến động. Lớp nhà văn gạo cội, nổi tiếng của cả nước như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Vũ Hạnh... đã có những tác phẩm tác động cổ vũ tinh thần cho cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân cả nước. Tiếng nói của họ thông qua các tác phẩm, có sức lan tỏa sâu rộng và lâu dài. Thế hệ những nhà văn tiếp theo là Chu Cẩm Phong, Dương thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khắc Phục, rồi đến lớp nhà văn Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Cao Duy Thảo, Hồ Duy Lệ, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Thị Bắc Hà, Đỗ Việt Nghiệm, Nguyễn Bảo...
Những trang nhật ký chân thật, sinh động mà các nhà văn để lại đủ để khẳng định họ đã hy sinh trong tư thế của một người anh hùng mà cuộc đời họ là một áng văn thơ tuyệt vời. Các nhà văn này có mặt ở chiến trường Quảng Nam vào những thời điểm khác nhau. Người sớm nhất vào năm 1965, chậm hơn, nhưng đông đảo hơn vào năm 1971. Ký ức của họ ở chiến trường, đầy đặn, sâu lắng. Và, để có những tác phẩm phản ánh sinh động cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân Khu 5 nói chung, Quảng Nam nói riêng, các nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ cùng nhiều văn nghệ sĩ khác... đã "nằm lại với đất lành" Quảng Nam khi tuổi đời còn rất trẻ và tài năng đang độ chín.

                                          Ảnh tập sách: Quảng Nam-miền ký ức.

Trong bài giới thiệu tập sách "Quảng Nam - miền ký ức" (1954-1975), tác giả Lê Mai nhận xét: Dù cách viết, cách khai thác và biểu hiện của mỗi nhà văn khác nhau nhưng đều mang đến cho bạn đọc vẻ đẹp riêng, cường tráng, tươi mới, long lanh, đa dạng của nguyên mẫu. Có thể nói, tập sách "Quảng Nam - miền ký ức" (1954-1975) là "bộ phim ẩn hình", là góc nhìn của các nhà văn thế hệ kháng chiến, tái hiện sinh động một thời kỳ lịch sử. Các nhà văn - chiến sĩ ngày ấy đã bám sát hiện thực, sống, chiến đấu như một người lính thực thụ. Từ những trải nghiệm máu lửa và sinh động ấy, tiếng lòng của mỗi người cầm bút cũng là sự ngân vang, cộng hưởng cùng muôn tiếng lòng; ký ức của mỗi người gói ghém, ký thác và sự cam kết về lý tưởng sống của cả một thế hệ. Qua sự sàng lọc của thời gian, những trang viết này rồi sẽ kết thành trầm tích văn hóa của một vùng đất. Đây cũng có thể xem là một trong kho tư liệu quý giá về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ hy sinh, thử thách và rực rỡ chiến công trên mảnh đất Quảng Nam kiên cường.
                                                                               Thạch Hà


TRƯNG BÀY SÁCH, BÁO
UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN
      
  Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) Thư viện Quế Sơn trưng bày, giới thiệu sách, báo “ Uống nước nhớ nguồn”.
          
       Với hơn 120 bản sách được chọn lọc trong hàng nghìn ấn phẩm lưu trữ trong Thư viện để giới thiệu đến bạn đọc gồm các loại :
-   Bác Hồ với Thương Binh, liệt sĩ.
-   Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
-  Tập thể , cá nhân anh hùng trong đấu tranh Cách mạng qua các thời kỳ.
-  Gương chiến đấu hy sinh dũng cảm trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
-  Gương sáng Thương binh với công cuộc xây dựng , đổi mới đất nước.

Thời gian : Từ ngày 10 tháng 7 năm 2017
                             Đến  ngày 04 tháng 8 năm 2017.
Địa Điểm : Trung tâm VHTT Quế Sơn.
( Đường Tôn Đức Thắng, Thị trấn Đông Phú, Huyện Quế Sơn).


Xin trân trọng giới thiệu đến Quí bạn đọc ./.




THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY”
Bài học sâu sắc dành cho nhiều thế hệ độc giả

Chắc hẳn những độc giả yêu thích văn học Nga đều biết đến tác phẩm nổi tiếng: “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Otrovsky. Cuốn tiểu thuyết này đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam. Tác phẩm đã nhiều lần được đưa lên màn ảnh vào các năm 1942 với phim: “Thép đã tôi thế đấy”, năm 1956 với phim Pavel Korchagin, năm 1975 với 6 tập “Thép đã tôi thế đấy” và gần đây đươc sản xuất thành một bộ phim truyền hình dài 20 tập vào năm 1999 tại Trung Quốc. Cho tới thời điểm này, cuốn sách đã được tái bản 772 lần với tổng ấn lượng lên đến 74 triệu bản.
Thép đã tôi thế đấy” là một câu chuyện cảm động và sâu sắc về chàng thanh niên Pavel Kochagin – hiện thân của tác giả Otrovsky. Otrovsky sinh ngày 29-9-1904, là người con thứ năm của một gia đình công nhân nghèo ở làng Viliya, phía Tây của Ukraina. Khi quân Đức chiếm đóng làng vào năm 1918, lúc này Otrovsky đang hoạt động ngầm cho Đảng Bonsevik. Tháng 7 cùng năm, ông gia nhập Hồng Quân và phục vụ cho đoàn kỵ binh Kotovsky. Sau nhiều lần bị thương trong chiến đấu và mắc bệnh nặng, ông được gửi đi trị bệnh cạnh bờ biển Azov. Tháng 12 năm 1926, ông bị mắc chứng bại liệt. Tháng 8 năm 1929, ông bị mù hoàn toàn. Năm 1930, dù bị bại liệt và mù hoàn toàn nhưng ông vẫn viết ra được một tác phẩm đã đi vào lịch sử văn học: “Thép đã tôi thế đấy”. Ông mất ngày 22-12-1936 khi đang viết dở tác phẩm “Sinh ra trong bão táp”.



Cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” ra đời khi Otrovsky trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, gian khổ: bị bại liệt, bị mù và bệnh tật không ngừng tàn phá cơ thể. Có thể nói, mỗi trang viết chính là một sự trải nghiệm; đồng thời thể hiện sự cố gắng nỗ lực không ngừng của Otrovsky trong cuộc sống.
Thép đã tôi thế đấy” được phát hành bởi NXB Văn học; cuốn sách dày 241 trang, chia làm 18 chương nói về cuộc đời của một người chiến sĩ Cách mạng: Pavel Korchagin. Anh là một thanh niên lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, mang trong mình lòng yêu Tổ quốc cao cả, lí tưởng cống hiến sức trẻ của mình cho Cách Mạng, Đảng cộng sản. Rồi Pavel bị mắc bệnh thương hàn, bại liệt, mù, vôi hóa cuộc sống và phải ngồi xe lăn... Tưởng chừng như những lúc đó, cuộc đời anh đã đặt ra một dấu chấm hết thì anh vẫn không lùi bước trước khó khăn và thách thức, không ngừng tin tưởng và hi vọng. Cuối cùng thì anh cũng tìm ra một cuộc sống mới, một bước ngoặt mới trong cuộc đời: viết sách. Anh lại phấn chấn, giống như được cầm vũ khí mới và quay trở về hàng ngũ chiến đấu. Pavel đã để lại một bài học vô cùng sâu sắc về cuộc sống dành cho biết bao thế hệ độc giả sau này:
“Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”
Pavel chính là tấm gương lớn cho thế hệ thanh niên Việt Nam một thời sẵn sàng hi sinh, xả thân vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Như lời Nguyễn Văn Thạc từng viết trong “Mãi mãi tuổi hai mươi”: Cuộc sống của Pavel là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng..."
Có những con người sẽ còn sống mãi với lịch sử, có những trang sách sẽ còn được lưu truyền mãi tới các thế hệ độc giả mai sau, có những bài học về cuộc đời sẽ không bao giờ cũ. Hãy cầm trên tay và thưởng thức “Thép đã tôi thế đấy”. Tôi tin bạn sẽ có những phút giây trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ!
                                                         Tác giả: Trần Việt Đức - Lớp 7A4

    (http://www.ntthnue.edu.vn/bai-du-thi-gioi-thieu-sach-ms-006-thep-da-toi-the-day-713)