Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

KỈ NIỆM 71 NĂM NGÀY QUỐC KHÁNH 2/9/1945
LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA


        Quốc khánh 2/9 đã trở thành một mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam trong suốt chặng đường 71 năm qua. Cùng nhìn lại lịch sử và ý nghĩa của ngày lễ này.
Ngày 2/9/1945, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử đã diễn ra một cuộc mít tinh đông đảo. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong không khí náo nức ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su tiến ra trước máy phát thanh. Thay mặt Chính phủ lâm thời - tức Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương - Người đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập. Tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.
Tuyên ngôn nhấn mạnh: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới.
Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xit mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.


              Lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn tại quảng trường Ba Đình.
       Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".
Từ đây với tư cách người chủ thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến. Ba mươi năm sau ngày "Tuyên ngôn Độc lập", năm 1975, Đảng ta, quân dân ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc- dân chủ, tiến hành thống nhất nước nhà.
                     Hơn 50 vạn người dân đại diện cho mọi tầng lớp nô nức đến dự mít tinh.
Tổ quốc ta được độc lập, nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2 tháng 9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Và cũng bắt đầu từ Tuyên ngôn 2/9, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới.
Phấn khởi và tự hào, tất cả mọi công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, không tiếc của cải và cả xương máu của mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. 69 năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh không gì so sánh nổi của cả dân tộc để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.
Bảo Yến. Ảnh: Tư liệu TTXVN


(http://www.phapluatplus.vn/ki-niem-71-nam-ngay-quoc-khanh-2-9-1945-lich-su-va-y-nghia-d22459.html)

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016


Giới thiệu sách
BÚP SEN XANH
                                                                  
Đối với mỗi người dân Việt Nam chúng ta, mỗi khi nhắc đến hai tiếng thiêng liêng “Bác Hồ” thì có lẽ không ai lại không khỏi xúc động, lòng dâng trào những cảm giác khó tả. Thứ tình cảm ấy giống như một mạch nước ngầm thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ. 
Trong cuộc đời của mỗi người không thể thiếu những cuốn sách gối đầu giường, những cuốn sách đi suốt theo năm tháng và trở thành tấm gương, soi chiếu vào mọi ý nghĩ, mọi việc làm, góp phần hình thành nên nhân cách. 
Và trong những câu chuyện viết về Bác không ai là không biết đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “ Búp Sen xanh” viết trong khoảng từ năm 1948 đến năm 1980 của nhà văn Sơn Tùng được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản năm 1984. – Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc !  


    “Búp Sen xanh” dày 366 trang, được in trên khổ giấy (12,5 x 20,5 cm); Gồm 3 chương : Thời thơ ấu ; Thời niên thiếu và Tuổi hai mươi. Cuốn sách đã khắc hoạ rõ nét cuộc đời đầy những gian truân của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từ lúc mới sinh đến lúc Người rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc. Tất cả đã để lại trong tâm trí ta những ấn tượng sâu sắc về Bác.

Nhà văn Sơn Tùng đã viết hàng trăm tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngòi bút rất đỗi bình dị, những tác phẩm của ông đem lại cho chúng ta cái nhìn toàn diện về một con người, một cốt cách, một tấm lòng cao cả. Tuy nhiên “Búp sen xanh vẫn là tác phẩm tiêu biểu, thành công, được rất nhiều độc giả quan tâm đến. Vì sao vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu để lí giải điều này. Cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh là tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi, nhưng có rất nhiều độc giả thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều tầng lớp khác nhau vẫn tìm đọc cuốn sách này với niềm đam mê riêng: có người đọc để nghiên cứu, có người đọc để học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có người tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác...

Trang bìa cuối cuốn sách có in một lời đề tựa ngắn gọn của nhà văn: “ Các bậc thiên tài không có sẵn. Chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người và đi vào đời...” Phải chăng nhà văn đã nhận thức rõ ràng giữa con người và truyền thống lịch sử có mối quan hệ mật thiết để rồi miêu tả rất thành công một tính cách, một cốt cách- lạc quan, yêu đời, từ thời thơ ấu đến thời niên thiếu của chủ tịch Hồ Chí Minh. Để từ những lời văn rất bình dị ấy, chúng ta nhận ra một con người hết sức giản dị nhưng thật cao cả biết bao. chúng ta không thể quên được những lời thoại rất dí dỏm của cậu bé Côn, sự tinh nghịch, sự thông minh, ham học hỏi … của một đứa trẻ khiến người đọc thích thú; sự thông cảm với những kiếp người ăn xin nghèo khổ, sự trăn trở đau đáu khi nhìn thấy cảnh nước mất, nhà tan … khiến độc giả rơi nước mắt; cho đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước đúng đắn của Bác..
 Đọc từng trang sách Búp sen xanh, ta như hình dung ra bóng hình của Bác. Làng Sen, gia đình chính là cái nôi để nuôi lớn tâm hồn Bác, nó cũng là ngọn nguồn để hình thành lên nhân cách vĩ nhân:
“ Trong đầm gì đẹp bằng sen.
Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

     Đọc cuốn sách chúng ta không chỉ thấy Nguyễn Tất Thành là kết tinh của một nền văn hóa mà còn thấy rõ lớp người trước, lớp người sau và những khát vọng cuộn sóng của cả một dân tộc đang dò dẫm đi tìm con đường giải phóng cho chính mình. Và có lẽ một băn khoăn lớn nhất của độc giả khi đọc đoạn cuối tác phẩm là khi xuất hiện hình tượng người con gái Sài Gòn có tên là Út Huệ. Với những tình tiết hấp dẫn như vậy, tại sao chúng ta lại không một lần đọc và cảm nhận " Búp sen xanh" của Sơn Tùng ???

       Nhà văn M.Gorky từng nói: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”. Có thể khẳng định cuốn sách là một trong những món quà thiêng liêng nhất mà nhà văn Sơn Tùng nói riêng, Tổ quốc Việt Nam nói chung thành kính dâng lên Người.
Đọc những cuốn sách hay ta sẽ nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống để vươn tới "chân thiện, mỹ", để sống đẹp, sống có ý nghĩa hơn. Vậy thì đừng chần chừ, lãng phí thời gian nữa! Bạn hãy làm đẹp tâm hồn mình! Hãy đến với những khám phá mới mẻ, thú vị, bất ngờ, bổ ích đang chờ đón bạn với quyển "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng./.