Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016


GIỚI THIỆU SÁCH

CHỦ TỊCH
HỒ CHÍ MINH VỚI NƯỚC NGA

Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người đã có sức mạnh kỳ diệu lôi cuốn hàng triệu triệu người trên thế giới vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chính cuộc Cách mạng Tháng Mười cũng đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Người cộng sản Việt Nam đầu tiên tiếp thu và truyền bá tư tưởng Cách mạng Tháng Mười vào nước mình là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ Quốc tế kiên cường, người bạn lớn của nhân dân Liên Xô trước đây. Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường Cách mạng Tháng Mười, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, gắn Cách mạng Việt Nam với Cách mạng Tháng Mười, với nước Nga và đặt nền móng cho tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917 - 7/11/2016); Thư viện Quế Sơn trân trọng giới thiệu đến Quí bạn đọc cuốn sách : “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm, biên soạn được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật ấn hành năm 2013.


         
          Sách có độ dày 215 trang được in trên khổ giấy (24x24cm); Bìa sách được làm từ chất liệu giấy cứng, đẹp. 
Cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga” viết về những năm tháng học tập và làm việc của Bác Hồ được minh họa bằng những hình ảnh hoạt động của Bác từ thời tuổi trẻ đến những năm tháng sau này, bằng những tài liệu, bút tích, thư, báo cáo, bài báo, giấy tờ liên quan đến cá nhân với những địa danh Người đã sống và hoạt động, trong mối quan hệ với bạn bè, đồng chí ở nước Nga và quốc tế.
Sách được chia làm 5 phần:
1-     Những hoạt động đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc ủng hộ CMTM.
2-     Lần đầu tiên đến đất nước Lênin.
3-     Hai lần trở laị Tổ quốc cách mạng:1927, 1934.
4-     Với đất nước Liên Xô những năm 1950- 1969.
5-     Hồ Chí Minh trong lòng nước Nga.
Với sự phong phú về tài liệu và hình ảnh, nhân kỷ niệm 90 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến nước Nga Xô viết (1923-2013) ; Cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga” sẽ là một món quà có ý nghĩa giúp đông đảo độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết thêm về những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi của Bác Hồ - một người yêu nước chân chính, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, một học trò trung thành, xuất sắc của Lênin và một kiến trúc sư vĩ đại của tình hữu nghị ... Bên cạnh đó giúp bạn đọc và nhân dân hai nước hiểu sâu sắc thêm về cội nguồn tình hữu nghị truyền thống Việt – Xô trước đây và Việt – Nga sau này.

       Cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước NgaHiện đang được lưu giữ và phục vụ tại Thư viện huyện Quế Sơn. Xin trân trọng giới thiệu đến tất cả bạn đọc ./.


Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

CUỐN SÁCH
VỀ TÌNH YÊU SÁCH VÀ TINH THẦN TỰ HỌC
       Để nuôi dưỡng niềm say mê đọc sách, cung cấp cho bạn đọc khả năng “tư duy và tự học qua sách báo”, tác giả Vũ Dương Thúy Ngà vừa cho ra mắt cuốn sách Những tấm gương ham đọc sách và tự học trong thời đại Hồ Chí Minh.


       Với độ dày gần 200 trang, cuốn sách được cấu tứ theo hai phần:
      Phần thứ nhất chiếm dung lượng khoảng gần một nửa, thể hiện sự dày công nghiên cứu, tìm hiểu của tác giả về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sách báo: Từ quan điểm của Người về vai trò, tác dụng của sách báo, sử dụng báo chí trong công tác tuyên truyền, cho tới việc Người học viết báo thế nào, tự học ngoại ngữ ra sao...
      Phần thứ hai giới thiệu về những tấm gương ham đọc sách và tự học trong thời đại Hồ Chí Minh, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Giáo sư: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Hoàng Tụy. Tác giả Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ, sở dĩ chị chọn những danh nhân lịch sử và nhà khoa học tiêu biểu ở sáu lĩnh vực khác nhau để giới thiệu, nhằm thông qua từng tấm gương cụ thể, mong muốn những người đọc ở từng ngành nghề khác nhau sẽ chọn được phương pháp đọc và tự học phù hợp nhất cho bản thân mình.
     Viết về việc đọc sách và tự học, tác giả đã gửi gắm những thông điệp qua cách chuyển tải nhẹ nhàng, tự nhiên với những tình tiết, chuyện kể sinh động, gần gũi, gắn với từng nhân vật. Cũng nhờ cách thể hiện nhẹ nhàng này, chân dung của những con người lỗi lạc trở nên vô cùng gần gũi, bình dị. Điểm quý của cuốn sách là bên cạnh việc giới thiệu về những tấm gương ham đọc sách và tự học, lồng ghép trong đó còn có phần đúc rút phương pháp đọc và phương pháp tự học của từng nhân vật qua góc nhìn của một người đã có thời gian lâu năm làm việc cùng sách. Với người này là phương pháp đọc rộng và đọc có ghi chép, phân loại thông tin; không nhất thời tin theo sách ngay... nhưng ở một số nhà khoa học lại là việc phải chú trọng đọc ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn hóa, xã hội, lịch sử, bên cạnh việc đọc các sách chuyên ngành; chú trọng tiếp cận những tài liệu gốc, kết hợp điền dã để kiểm chứng...
     TS Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ, từ hơn mười năm trước, khi nghiên cứu về việc đọc sách của Bác Hồ, chị đã ấp ủ ý định sẽ thực hiện một cuốn sách về tình yêu sách và tinh thần tự học của Người. Nhưng cách đây ba năm, chị mới chính thức bắt tay vào thực hiện cuốn sách trên cơ sở tìm hiểu thêm về những tấm gương tự học trong thời đại Hồ Chí Minh. Làm việc trong ngành thư viện, chị có lợi thế trong việc tiếp cận nhiều nguồn tư liệu đa dạng từ sách báo, các công trình nghiên cứu... Tuy nhiên, để có những thông tin chính xác và đầy đủ nhất, chị đã phải tìm cách tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau, không chỉ tra cứu qua những tư liệu có sẵn, mà còn kiểm chứng qua những con người cụ thể. Đó là những người thân trong gia đình, bạn bè hay những người đã từng có những nghiên cứu sâu sắc về các nhân vật trước đó. Chẳng hạn, khi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả đã tìm gặp những thành viên trong gia đình Đại tướng và cả những thư ký lâu năm của Đại tướng. Khi viết về Giáo sư Tôn Thất Tùng, tác giả đã tìm gặp vợ của giáo sư là bà Vi Thị Nguyệt Hồ và nhiều giáo sư uy tín ngành y. Hay viết về Giáo sư Hoàng Tụy, tác giả đã trực tiếp có những buổi trò chuyện, phỏng vấn cùng ông để cung cấp cho bạn đọc những câu chuyện thú vị, sinh động...
     Phát hành đúng thời điểm kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21-4, cuốn sách thật sự là công trình nghiên cứu giàu ý nghĩa. Đặc biệt, trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ không ngừng phát triển, nâng cao khả năng tự học và đẩy mạnh việc đọc sẽ làm cho người dân, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện để phát triển trí tuệ, hình thành nên những con người có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức, nâng cao kỹ năng làm việc để có thể thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Những bài học rút ra từ Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh rất đáng để mỗi người trong chúng ta tìm đọc, suy ngẫm, áp dụng và làm theo.
TRANG ANH