Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Giới thiệu sách

ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

      Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những chiến công hiển hách nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ xx. Đây là một thiên anh hùng ca bất hủ của nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Năm tháng trôi qua càng làm nổi bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của nó.
      Nhân kỷ niệm 41 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng (30/4/1975 – 30/4/ 2016) Thư viện Quế Sơn trân trọng giới thiệu cuốn sách ảnh “ Đại thắng mùa xuân 1975 ” do Nhà xuất bản Thông Tấn biên soạn và ấn hành năm 2005.
Cuốn sách dày 201 trang, được in trên khổ  sách ( 23 x 29cm) , Bìa sách được làm từ chất liệu giấy cứng, đẹp, Trên bìa sách in hình ảnh quân giải phóng tiến qua cổng sắt đánh chiếm dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch.


“Đại thắng mùa xuân năm 1975”  ghi lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường của cha anh đối với thế hệ hôm nay và mai sau.
Cuốn sách tập hợp gần 300 bức ảnh quý từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau ở trong và ngoài nước, trình bày một cách hệ thống, khoa học giúp bạn đọc hiểu được quá trình diễn biến giai đoạn cuối cùng cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Trong cuốn sách cũng sử dụng những trích dẫn, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, những nhà lãnh đạo, các vị tướng lĩnh từng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia các chiến dịch, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về chiến cuộc.
Bằng sự động viên sức người, sức của to lớn của cả nước, với ba đòn chiến lược then chốt ( giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Huế - Đà Nẵng, giải phóng Sài Gòn ) và cuộc tiến công , nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch chiến lược hai năm trong vòng 55 ngày đêm, giành thắng lợi trọn vẹn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.



Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố. Đó là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo , độc lập, tự chủ đã tập hợp và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; là cuộc đấu tranh ngoan cường, bền bỉ và vô cùng dũng cảm, thông minh của nhân dân hai miền Nam – Bắc và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đã huy động có hiệu quả sức lực của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; là tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương; là sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.


Cuốn sách ảnh " Đại thắng mùa xuân 1975 " hiện đang được lưu giữ và phục vụ tại Thư viện huyện Quế Sơn. Xin trân trọng giới thiệu đến tất cả bạn đọc ./.


Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016


 NGHỈ LỄ 30/4 VÀ 1/5 NĂM 2016
Theo thông báo số 4659/tb-lđtbxh của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do Bộ Trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã ký về việc nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2016
       Thư viện  Quế Sơn thông báo đến Quý bạn đọc lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2016 như sau :
·  Ngưng phục vụ bạn đọc từ ngày 30/4/2016 (Nhằm ngày 24/3 âm lịch)
· Mở cửa phục vụ lại từ ngày 04/5/2016 (Nhằm ngày 28/3 âm lịch)

Chúc Quý bạn đọc nghỉ lễ vui vẻ !

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

40 NĂM TỔNG TUYỂN CỬ
BẦU QUỐC HỘI CỦA NƯỚC VIỆT NAM THỐNG NHẤT
      Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, đất nước ta thống nhất về mặt lãnh thổ, song ở mỗi miền Nam, Bắc lại có một hình thức tổ chức Nhà nước khác nhau. 
      Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chính quyền các cấp có Hội đồng nhân dân và Ủy ban  hành chính.
      Ở miền Nam có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Ủy ban nhân dân cách mạng ở địa phương.
      Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, nguyện vọng của nhân dân hai miền Nam, Bắc là cơ quan lập pháp, hành pháp và cả hệ thống chính trị sớm được thống nhất.  

 
(GDVN) - Trong thời khắc thiêng liêng và xúc động này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.


       Xuất phát từ thực tế đòi hỏi của nhân dân và phù hợp với lịch sử của dân tộc, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 9/1975 đề ra nhiệm vụ thống nhất đất nước.
      Thi hành Nghị quyết lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng [1] về vấn đề thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 228 CT/TW, ngày 3/1/1976 về việc lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước vào ngày 25/4/1976.
       Để thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, phải tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Nam – Bắc để thống nhất về nội dung của sự nghiệp hoàn thành thống nhất nước nhà; về tầm quan trọng và tính cấp bách cũng như về bước đi và biện pháp của việc thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
      Tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất. Cuộc Tổng tuyển cử đó sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ:
      - Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp bỏ phiếu kín;
      - Triệu tập kỳ họp đầu tiên của Quốc hội chung để nghe báo cáo kết quả cuộc tổng tuyển cử trong cả nước và xác nhận tư cách đại biểu của các đại biểu Quốc hội;
      - Nghe báo cáo vấn đề dự thảo Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất và bầu ủy ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội…
      Thực hiện Chỉ thị  số 228CT/TW của Bộ Chính trị, nhân dân 2 miền Nam, Bắc nô nức tham gia ngày hội Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất ( khóa VI).
      Đó là lần thứ 02 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội được tổ chức trên phạm vi cả nước, là ngày hội biểu dương vĩ đại của lực lượng và ý chí đoàn kết, thống nhất đất nước của toàn thể nhân dân Việt Nam.
      Nếu cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đề ra bầu cử Quốc hội khóa I năm 1946 đã chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 25/4/1976 của cả nước lại mang ý nghĩa chính thức hóa việc thống nhất nước nhà.
      Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 (lần thứ nhất ngày 06/01/1946) được diễn ra trên phạm vi cả nước và đã thành công rực rỡ, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao.
      Hơn 23 triệu cử tri ( chiếm 98,8%) đi bỏ phiếu; miền Bắc 99,36%; miền Nam 98,59%; Hà Nội 99,82%; Sài Gòn – Gia Định 98,14%. Trên phạm vi cả nước đều có nhiều huyện, xã rất nhiều khu đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu.


Quân và dân cả nước tham gia bỏ phiếu (Ảnh tư liệu)

          Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI.
      Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài Tiến quân ca; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội.
      Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
      Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã họp 7 kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 12/1980), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Hiến pháp 1980.
      Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới.
      Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI là thắng lợi của đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng Lao động Việt Nam.
      Đồng thời là một kết quả tốt đẹp của quá trình đấu tranh 45 năm đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và thống nhất dân tộc, vì dân chủ và chủ nghĩa xã hội.


      
      Thắng lợi của Tổng tuyển cử chứng tỏ sức mạnh vô địch của nhân dân  cả nước ta đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dựa trên cơ sở liên minh công – nông.
      Với sức mạnh đó, chúng ta đã giành được chiến thắng vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
      Trong điều kiện đất nước thống nhất, sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại là tổ chức thành công Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước- Quốc hội khóa VI.
      Quốc hội đã quyết định những vấn đề quan trọng hàng đầu trong trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc; quyết định về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất; quyết định xây dựng Hiến pháp, về cơ cấu lãnh đạo của Nhà nước để điều hành công việc chung của cả nước.
      Kỷ niệm 40 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước ( 25/4/1976 – 25/4/2016) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại ngày lịch sử của dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam.
      Đó là ngày hội hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất non sông, biểu dương lực lượng vĩ đại của nhân dân ta và ý chí thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết phấn đấu dưới ngọn cờ quang vinh, bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

      Phát huy những thắng lợi đã đạt được; Ngày 04/01/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 tiến hành vào ngày 22/5/2016.

      Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ( bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013.
      Cùng với thành công của đại hội đảng các cấp, tổ chức tốt bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
      Vì vậy việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.
.                                                                                                               Ths. Ngô Sáu
( http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-nam-tong-tuyen-cu-bau-quoc-hoi-cua-nuoc-viet-nam-thong-nhat-post166587.gd

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21/4
TÔN VINH SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC

       Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại từ bao thế kỷ nay, ở nhiều nước đã xuất hiện thư viện và việc tổ chức đọc sách, báo cho các tầng lớp nhân dân.
Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh Giooc-giơ 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới (có một sự trùng lặp đáng nhớ, bởi đó cũng là ngày mất của hai đại văn hào nổi tiếng thế giới: W. Shakespeare và M. Cervantes).
Nhìn trên bình diện quốc tế, những Lễ hội sách/Ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì việc tổ chức các Ngày sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hóa đọc mãi mãi trường tồn.
Mỗi năm có hàng chục Hội chợ, Ngày sách... được tổ chức trên khắp đất nước                                      (ảnh Nam Anh)
Ở Việt Nam, hơn 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4), Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức, phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc có quy mô quốc tế này. Từ đó đến nay, Ngày hội sách và văn hóa đọc ở nước ta đã dần trở thành nề nếp, đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương, 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Với mục đích cao cả: không chỉ tôn vinh sách, giá trị của tri thức và văn hóa đọc, khẳng định vị thế xã hội và tầm quan trọng của Sách và việc đọc sách- một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam - Ngày hội sách và văn hóa đọc ở Việt Nam còn mang một ý nghĩa nhân văn, đó là: Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động: Triển lãm, trưng bày sách báo, triển lãm thư pháp, giao lưu giữa nhà văn với bạn đọc, tọa đàm, nói chuyện chuyên văn học, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách... Ngày hội sách và văn hóa đọc đã huy động được sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ cả vật chất và tinh thần cho các thư viện - nơi nuôi dưỡng văn hóa đọc. Công tác XHH thư viện có ý nghĩa này đã, đang thu được nhiều kết quả to lớn. Chỉ tính riêng ở Thư viện Quốc gia VN từ năm 2005 đến nay, Ngày hội đọc sách đã nhận được sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước với hàng chục nghìn cuốn sách, trang thiết bị (có trị giá vài tỷ VND).
Riêng 5 năm 2011, 2012, 2013, 2014 và 2015, Ngày hội sách và văn hóa đọc do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội, đã nhận được hàng ngàn cuốn sách từ các NXB ở TW, các tổ chức xã hội (với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng), để giúp đỡ cho các thư viện, tủ sách ở các địa phương còn nhiều khó khăn như: Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình...
Sách, báo quyên góp được thông qua những Ngày hội đọc sách ở các tỉnh, thành và các thư viện trong cả nước đã được đưa tới các điểm đọc, tủ sách, thư viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, nơi đang thiếu sách báo, khát khao tri thức. Đây có thể coi là một kết quả thiết thực, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc của ngành thư viện với những nỗ lực to lớn để góp phần nâng cao dân trí, nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân.
Điều hết sức vui mừng là mong mỏi và nỗ lực đề nghị của các cơ quan, ban ngành về việc lấy một ngày trong năm là ngày sách và văn hóa đọc đã được đáp ứng: Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Quyết định nêu rõ, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Ngày Sách Việt Nam hàng năm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm (năm 2015, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tích cực triển khai hiệu quả Ngày sách Việt Nam 21/4 với nhiều hình thức phong phú, thiết thưc và hiệu quả, nhằm tôn vinh sách và văn hóa đọc ở VN và 2016, nhiều tỉnh, thành đã và đang tích cực triển khai hoạt động có ý nghĩa này).
Rõ ràng là: Ngành xuất bản, ngành Thư viện ở nước ta lâu nay ước ao có được ngày để tôn vinh cho hoạt động của mình, thì nay đã có. Vấn đề còn lại là: từ nay trở đi, chúng ta cần phải làm gì? làm thế nào? để Ngày sách Việt Nam 21/4 thực sự có ý nghĩa hơn, nhân văn hơn, thiết thực hơn đối với toàn thể nhân dân, để hoạt động này thu hút được đông đảo bạn đọc cả nước và những người làm nghề sách (xuất bản, in, phát hành) và thư viện, để Ngày Sách Việt Nam trở thành một hoạt động xã hội mang biểu trưng văn hóa, giống như Ngày thơ Việt Nam (Rằm Tháng Giêng) diễn ra hằng năm. Và để hoạt động có ý nghĩa này thực sự lan tỏa, đi vào cuộc sống; để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển, khẳng định và tôn vinh Sách và Văn hóa đọc ở Việt Nam- một nước có nền văn hiến lâu đời- trước bối cảnh văn hóa nghe nhìn đã, đang lấn át mạnh mẽ văn hóa đọc ./.
                                                                                Ths. Nguyễn Hữu Giới

 (http://www.baomoi.com/ngay-sach-viet-nam-21-4-ton-vinh-sach-va-van-hoa-doc/c/19061483.epi)


Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016


BÁC HỒ, TẤM GƯƠNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
        
      Sáng thứ 2 (ngày 19/11/2012), đại diện Chi bộ Hành chính sự nghiệp đã kể một câu chuyện về tấm gương và đạo đức của Bác với chủ đề: “Bác Hồ, tấm gương học tập suốt đời”.


       Tự học tập và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác viết: “Lấy tự học làm cốt”. Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 215).
        Bác viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích đó thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” (Sđd, tập 5, trang 684). Như vây, quan niệm về học tập của Bác rất toàn diện: Học tập tri thức đi đôi với rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập nhằm hoàn thiện đạo làm người, nâng cao trình độ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; học để phục vụ lợi ích của Đảng, nhân dân, Tổ quốc và cả nhân loại.
         Bác Hồ phê phán nghiêm khắc tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cho mình là giỏi nhất thiên hạ. Năm 1957, Người nói với lớp lý luận chính trị khóa I trường Nguyễn Ái Quốc: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”(Sđd, tập 8, trang 499).        
       Năm sau, trong bài đạo đức cách mạng đăng trên tạp chí Học tập số 12, năm 1958, Bác viết: “Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình là cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng và chỉ muốn làm thầy quần chúng (Sđd, tập 9, trang 290).
        Trước khi ra đi tìm đường cứu nước (1911), Bác đã học lớp trung đẳng (lớp nhì) tại Trường Quốc học Huế và lớp cao đẳng (lớp nhất) ở Trường Tiểu học Quy Nhơn với thầy Phạm Ngọc Thọ. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người có học ở Trường Đại học Phương Đông (1923), Đại học Quốc tế Lênin (1934), nghiên cứu sinh Viện nghiên cứu các vấn đề thuộc địa (1937) với luận án về cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Châu Á. Nhưng Bác chỉ nhận mình tự học và trên thực tế cả cuộc đời Bác vẫn tự học là chính. Năm 1935, dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Người ghi vào phiếu lý lịch của mình như sau: Trình độ học vấn: tự học; ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Đức, Ý, Trung Quốc.
         Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa Phương Đông và văn hóa Phương Tây. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào.  Người học từ thực tiễn sinh động ở các sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới. Phát biểu với sinh viên Trường Đại học Băng Đung trong chuyến thăm Indonesia sinh 1959, Người nói đại ý: Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường học. Cuộc sống, du lịch và làm việc là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình; căm ghét áp bức, ích kỷ…
         Đại tướng Hoàng Văn Thái kể rằng, năm 1969, mỗi lần đến làm việc, ông thường thấy trên chiếc bàn con bên giường của Bác để đầy sách báo đang xem. Ông lo lắng đến sức khỏe của Bác, nên đề nghị: “Thưa Bác, Bác mệt, Bác nên đọc ít, để nhiều thời gian nghỉ ngơi thư thả cho lại sức”. Bác trả lời, giọng như tâm sự mà rành rẽ, dứt khoát từng lời: “Chú bảo Bác không đọc sách báo ư? Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết và nhất là vấn đề nắm vững tình hình chứ!”. Những cuốn sách Người đọc ở thời gian cuối đời là các cuốn: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông. Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, The Truth about VietNam (sự thật về vấn đề Việt Nam NXB. Green Leaf Classic, 1966).
         Cuộc đời của Bác là một quá trình: vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Người là nơi hội tụ với tầm cao nhất tinh hoa văn hóa nhân loại, xứng đáng với sự tôn vinh của tổ chức UNESCO: Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời để chúng ta noi theo. Vì vậy, mỗi cán bộ, Đảng viên nên đề ra cho mình một lộ trình, một mục tiêu và một phương pháp tự học suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của bản thân, của gia đình. Có tự học suốt đời mới có thể phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn./.
                                                                                                          (Sưu tầm)

( &ID=2917http://www.tcvg.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?List=f73cebc3-9669-400e-b5fd-9e63a89949f0 ) 

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Ý NGHĨA CỦA NGÀY LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG


“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.”
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng đã có công đựng nước và giữ nước. Lễ được tổ chức hằng nằm vào ngày 10/3 âm lịch tại Đền Hùng – Việt Trì – Phú Thọ. Đến hẹn lại lên, đến ngày này người dân khắp nơi trên mọi miền đất nước và cả những Kiều bào nước ngoài quy tụ về đây để tưởng nhớ công ơn các vị vua đã có những chiến công lẫy lừng cho dân tộc.


Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra hằng năm với nhiều hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là các thủy tổ của người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Trải qua 18 đời vua Hùng với những biến cố lịch sử, những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã chứng minh được lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đồng lòng của cả dân tộc ta.
        Giỗ tổ Hùng Vương không phải chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, nguồn cội của tổ tiên. Qua đó mỗi người không ngừng học tập, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước.
Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những biến cố của đất nước qua các thời kỳ đồng thời đặt ra những nhiệm vụ mới cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước.Trải qua các thời kỳ thăng trầm khác nhau và để có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ công lao vĩ đại của cả một dân tộc anh hùng.

 

Hằng năm vào dịp lễ hàng triệu người dân khắp cả nước đã hội tụ về Đền Hùng – Việt Trì – Phú Thọ để tưởng nhớ công lao của các vị vua Hùng

Chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên, là con cháu của các vị vua Hùng đã gây dựng nên đất nước Văn Lang, Âu Lạc và đánh thắng giặc ngoại xâm làm nền móng cho nước Việt Nam ngày nay. Đó là những ngày đầu hoang sơ nhất mở ra một thời kỳ lịch sử huy hoàng cho dân tộc ta. Chúng ta phải ghi nhớ công lao to lớn đó và không ngừng học tập, đóng góp cho xã hội, cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển để sánh vai với các cường quốc năm châu.
An Nhiên

(http://wass.edu.vn/cau-chuyen-giao-duc/dong-hanh-cung-con/y-nghia-cua-ngay-le-gio-to-hung-vuong.html)