Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

5 BÀI HỌC THÚ VỊ
TỪ MỘT TUYỆT PHẨM VĂN CHƯƠNG

       Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của văn học Pháp - “Hoàng tử bé” - đã được viết nên từ trải nghiệm có thật của nhà văn khi ông bị rơi máy bay trên sa mạc Sahara khi đang trên đường bay tới Việt Nam. Tác giả đã bị mất nước, bị ảo giác và suýt mất mạng…
 

       Cuốn tiểu thuyết “Hoàng tử bé” được xuất bản vào ngày 6/4/1943, đưa tới cho độc giả một hoàng tử bé bước ra từ tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn - phi công người Pháp - Antoine de Saint-Exupéry.
       Tác phẩm kể câu chuyện của một phi công bị hỏng máy bay, rơi xuống sa mạc Sahara, ở đây, người phi công đã gặp một cậu bé mà anh âu yếm gọi là “Hoàng tử bé”. Cậu bé kể cho người phi công về quê nhà của cậu - một tiểu tinh cầu.
       Chi tiết này được lấy cảm hứng từ một sự việc có thật trong cuộc đời nhà văn - phi công Antoine. Ngày 30/12/1935, khoảng gần 3h chiều, sau một chuyến bay dài hơn 19 tiếng, Antoine và người bạn hoa tiêu - André Prévot - đã bị rơi máy bay ở sa mạc Sahara trên lãnh thổ Libya khi hai người đang trên đường bay tới Sài Gòn.
       Họ đã cố gắng lập kỷ lục về thời gian bay từ Paris tới Sài Gòn với hy vọng giành được giải thưởng trị giá 150.000 franc. Cả Antoine và bạn đều sống sót nhưng ngay lập tức họ phải đối mặt với việc cơ thể bị mất nước nhanh chóng trên sa mạc. Nho, táo và rượu trên máy bay giúp họ trụ được một ngày, nhưng khi không còn gì nữa, hai người bắt đầu bị ảo giác.
       Sang ngày thứ hai và thứ ba, cơ thể họ bị mất nước rõ rệt và không đổ mồ hôi nữa. Cuối cùng, sang ngày thứ tư, một người Ả Rập cưỡi lạc đà đã phát hiện ra họ và cứu sống cả hai.
 
                                            Antoine bên chiếc máy bay bị rơi trên đường tới Sài Gòn.
       Trong “Hoàng tử bé”, khi Antoine viết về việc bị bỏ lại trên sa mạc với một cái máy bay hỏng, ông đã liên hệ với kinh nghiệm có thật trong cuộc đời mình. Dù không thể đoạt được 150.000 franc giải thưởng, nhưng trải nghiệm “nhớ đời” ấy đã giúp Antoine viết nên một tuyệt phẩm văn chương.
       Trở lại với tác phẩm, nhân vật người phi công đã gặp Hoàng tử bé khi cậu đang trong cuộc hành trình đến thăm những hành tinh khác nhau trong không gian. Cuộc gặp gỡ với người phi công giữa nơi sa mạc, trong 8 ngày, đã khiến hai người hình thành nên một tình bạn gắn bó.
       Cuốn tiểu thuyết suốt hơn 70 năm nay đã hấp dẫn cả trẻ nhỏ và người lớn trên khắp thế giới, đã được dịch sang hơn 250 thứ tiếng và phương ngữ.
       Trong tháng 4 này, để nhớ về ngày cách đây 73 năm, “Hoàng tử bé” đã đến với độc giả, hãy cùng điểm lại 5 bài học thú vị về cuộc đời được tác giả gửi gắm một cách đầy ngụ ý trong tác phẩm.
       Hãy luôn nhớ về sự sáng tạo của tuổi thơ
       Nhân vật người kể chuyện trong “Hoàng tử bé” - anh phi công bị rơi máy bay trên sa mạc - đã bắt đầu câu chuyện bằng ký ức về bức vẽ đầu đời anh thực hiện khi còn là một đứa trẻ. Bức vẽ khắc họa một con trăn đã nuốt chửng cả một con voi. Tất cả những người lớn xem tranh của cậu bé ngày ấy đều chỉ nhìn ra hình… một chiếc mũ.
 
       Sự thất bại với bức vẽ đầu tiên và bức vẽ thứ hai khiến cậu từ bỏ niềm đam mê vẽ để chăm chỉ học những môn hữu ích như người lớn khuyên bảo. Đương nhiên từng lời văn trong “Hoàng tử bé” đều có tính đa nghĩa, để phù hợp với cả trẻ nhỏ và người lớn. Với người lớn, những câu chữ giản đơn lại khái quát nên những câu chuyện lớn lao và sâu sắc về cuộc đời.
       Cho tới một ngày khi gặp được Hoàng tử bé - người đã ngay lập tức đọc ra đúng nội dung của bức vẽ năm xưa, anh phi công ngay lập tức say mê cậu như một người bạn tâm giao tri kỷ hiểu thấu cõi lòng mình.
       “Mỗi khi gặp một người lớn có vẻ sáng sủa một tí, tôi lại thử người đó với bức phác thảo số một mà tôi luôn mang theo (khắc họa một con trăn nuốt trọn một con voi vào bụng). Nhưng dù người đó là ai, họ cũng luôn trả lời rằng: “Đấy là một cái mũ”. Thế là tôi chẳng bao giờ nói với họ về trăn rắn, rừng nguyên sinh hay các vì sao. Tôi sẽ tự hạ mình xuống ngang tầm họ. Tôi sẽ nói về chơi bài, chơi gôn, chính trị và ca-vát. Rồi người lớn kia sẽ cảm thấy rất hài lòng khi được quen một con người tinh tế đến vậy”.

 
       Khi chúng ta trưởng thành, đừng để mất đi sự sáng tạo, thậm chí là sức tưởng tượng điên rồ của tuổi thơ. Người lớn luôn thích những con số, những ý tưởng thực tế, và đôi khi, họ quên mất rằng cần phải nhìn lên trên bề mặt của sự việc, để suy nghĩ tự do và sáng tạo. Họ mất đi sự tò mò, hiếu kỳ tích cực, thay vào đó, càng lúc càng trở nên tiêu cực.
       Những người sáng tạo cũng giống như Hoàng tử bé, họ cũng hay mơ mộng, luôn kiếm tìm những trải nghiệm mới và luôn thích thú với việc đưa ra những câu hỏi thực sự thông minh, đánh trúng vấn đề.
       Để tận hưởng niềm vui giản dị trong cuộc sống, cần bớt đi sự nghiêm nghị
       Trong chuyến hành trình đến thăm các hành tinh, Hoàng tử bé có lần gặp một nhà doanh nghiệp nghiêm nghị. Người đàn ông này không ngừng đếm tất cả những ngôi sao trong dải ngân hà và cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì sở hữu những ngôi sao đó, dù thực tế, cuộc sống của ông ta cô đơn và nhàm tẻ vô cùng, ông ta chẳng có gì ngoài những vì sao để đếm.
        “Ta quản lý chúng. Ta đếm đi rồi ta đếm lại chúng, nhà doanh nghiệp nói. Khó đấy. Nhưng ta là một người đứng đắn, rất quan tâm đến những vấn đề trọng đại”.
       Hãy nhìn người doanh nhân, và nhớ rằng đừng bao giờ thỏa hiệp với bất cứ việc gì có thể làm mất đi những niềm vui nhỏ giản dị trong cuộc sống của bạn.
       Chẳng gì có thể lên tinh thần và cải thiện cuộc sống bằng tiếng cười - những tiếng cười sảng khoái, vô tư, vui vẻ thật sự. Đừng “hà tiện” nụ cười, cười nhiều và bạn sẽ có trí nhớ tốt, bớt căng thẳng; hài hước và bạn sẽ khó có thể mắc bệnh tim.
       Dành thời gian cho bản thân là bí quyết để được hạnh phúc
       Trên hành tinh thứ năm mà Hoàng tử bé ghé qua, cậu đã gặp một người thắp đèn. Ở đây, mỗi ngày chỉ kéo dài một phút. Người thắp đèn, vì vậy, phải tắt đèn rồi thắp đèn liên tục sau mỗi phút. Công việc khiến ông mệt mỏi và lúc nào cũng chỉ thèm ngủ.
       “Hiện nay, hành tinh này quay mỗi phút một vòng, ta không còn lấy một giây để nghỉ ngơi. Mỗi phút ta phải thắp đèn và phải tắt đèn một lần” - người thắp đèn nói.

       Đừng để công việc đè bẹp bạn đến mức khiến từng phút giây tồn tại đều trở nên mệt mỏi, mỗi phút giây sống trong cuộc đời này đều cần phải được trân trọng và mục tiêu cao nhất không gì hơn là tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn, ý nghĩa nhất.
       Đừng để mình “chết mòn” vì công việc giống như người thắp đèn, bởi hậu quả sẽ rất thực tế và tàn khốc, đó là hàng loạt những loại bệnh tật rình rập bạn theo năm tháng.
       Quan trọng hơn cả việc chăm sóc thể chất, là đôi khi, bạn cần có thời gian để dành riêng cho chính mình, để ngắt mình ra khỏi công việc, đó chính là chăm sóc tinh thần. Không nghi ngờ gì trong thời đại hôm nay, đang có rất nhiều “người thắp đèn” giữa đời sống.
       Hãy dũng cảm để bước ra khám phá thế giới
       Trên hành tinh thứ 6, Hoàng tử bé gặp một “ông cụ già đang viết những cuốn sách dày cộp”. Thoạt tiên Hoàng tử bé tin rằng nhà địa lý (nghề nghiệp của ông cụ) hẳn phải là người đi đây đó rất nhiều, nhưng hóa ra ông cụ cả đời không bao giờ rời gót khỏi bốn chân bàn.
       “Ta có là nhà thám hiểm đâu… Nhà địa lý không phải là người đi đến các thành phố, sông biển, núi non, đại dương và sa mạc. Nhà địa lý rất quan trọng nên họ không thể đi lung tung. Ông ta sẽ không rời bàn giấy của mình, nhưng sẽ tiếp các nhà thám hiểm. Ông ta sẽ phỏng vấn họ và ghi chép lại những hồi ức của họ” - nhà địa lý nói.
       Cái bàn giấy của nhà địa lý là một ẩn dụ cho “vùng an toàn” trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta thường có xu hướng yên vị trong “vùng an toàn” của mình bởi điều này luôn đơn giản hơn so với việc mạo hiểm. Nhưng trong cuộc đời, tất cả chúng ta đều cần phải mạo hiểm, tạo nên những trải nghiệm mới, gặp gỡ những con người mới, ngao du, tìm hiểu.
       Có rất nhiều lý do để chúng ta bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình. Sự lo lắng, hồi hộp mà chúng ta cảm thấy khi đối diện với thử thách có thể khiến chúng ta tư duy, hành động hiệu quả hơn. Thích nghi với những thay đổi, thách thức giúp chúng ta năng động, nhạy bén, không bị chây ì, chậm chạp theo năm tháng.
       Hãy lựa chọn bằng trái tim mình
       Hoàng tử bé đã đem lòng yêu một đóa hồng ở tiểu hành tinh quê nhà. Dù nàng bảo mình là duy nhất trong giống loài của mình, nhưng khi đặt chân tới Trái đất, Hoàng tử bé đã giật mình thất vọng khi đứng trước một vườn hồng có tới hàng nghìn đóa hồng giống hệt nàng. Thoạt tiên, Hoàng tử bé buồn bã nhưng sau khi gặp cáo, cậu đã hiểu rằng đóa hồng của mình đúng là duy nhất.
 
       Đơn giản bởi “chính vì nàng mà tay tôi đã tưới, chính vì nàng mà tôi đã che chắn bằng tấm bình phong, cũng vì nàng mà tôi bắt từng con sâu, vì nàng mà tôi đã ngồi nghe than thở, tán hươu tán vượn, và đôi khi cả im lặng nữa, bởi vì nàng là đoá hồng của tôi”, vì vậy, đó là đóa hồng duy nhất đối với Hoàng tử bé. “Chính thời giờ cậu đã mất để chăm sóc cho đoá hồng khiến đoá hồng trở nên quan trọng đến thế”.
       “Đây là bí mật của tớ, một bí mật rất đơn giản thôi: Người ta chỉ có thể nhìn thấy thật rõ ràng và đúng đắn bằng trái tim, những điều quan trọng nhất không thể nhìn thấy bằng đôi mắt” - Cáo nói.
       Trong cuộc sống, nhiều khi những quyết định mang tính trực giác, bản năng lại đem tới những kết quả tốt hơn sự phân tích logic. Thực tế, trực giác không mông lung, vô định, nó tồn tại để giúp con người cân bằng các quyết định của mình, để kết nối bản năng và lý trí.
       Cuốn “Hoàng tử bé” chứa đựng vô số những bài học giá trị về cuộc đời. Để biết được thêm nhiều nữa, chỉ có cách tự bạn tìm gặp cậu ấy trong cuốn tiểu thuyết vẫn còn đang thịnh hành trên khắp thế giới sau hơn nửa thế kỷ.

                                                                                Bích Ngọc                                                                                                                               Tổng hợp
 (http://dantri.com.vn/van-hoa/5-bai-hoc-thu-vi-tu-mot-tuyet-pham-van-chuong-20160413073244327.htm)








Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Giới thiệu sách

DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ

       Nếu hỏi các bạn trẻ hiện nay ai là nhà văn sáng tác cho tuổi thiếu nhi được yêu thích nhất ở Việt Nam ? Có lẽ rằng, câu trả lời sẽ không  ai khác ngoài  cái tên Tô Hoài. Ông là nhà văn viết rất nhiều tác phẩm hay giành cho thiếu nhi. "Dế Mèn phiêu lưu kí" có lẽ vẫn là một trong những tác phẩm quen thuộc nhất đối với bao độc giả nhí.


     

    Đây là tác phẩm đầu tay và hay nhất của nhà văn Tô Hoài. Dế Mèn phiêu lưu ký được dịch ra 15 thứ tiếng như Nga, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan... Lập kỷ lục tác phẩm học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Với sự quan sát tinh tế, nhà văn sử dụng thủ pháp nghệ thuật nhân cách hóa kể về cuộc phiêu lưu sôi nổi, kỳ thú của chú Dế Mèn mới lớn nông nổi mà ham học hỏi.
       Chú Dế Mèn mới lớn, tự cao tự đại, xốc nổi, ức hiếp mấy chị Cào Cào, anh Gọng Vó... Chú không chỉ từ chối giúp đỡ mà còn khinh thường Dế Choắt. Vì trò nghịch dại, Dế Mèn gián tiếp giết chết Dế Choắt. Chú ân hận khôn nguôi nhưng khi bọn trẻ con tung hô, chú lại chứng nào tật ấy. "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", Dế Mèn dần trưởng thành qua cuộc phiêu lưu xa lắc, xa lơ trên những vùng đất mới lạ. Chú kết thân cùng Dế Trũi, tình huynh đệ thắm thiết, sâu sắc. Trũi mất tích, Dế Mèn thảm thiết gọi to tên em. Lúc đó,chú hiểu rằng cuộc sống rất cần bạn bè thân thích, lúc khó khăn, hoạn nạn cùng sát cánh bên nhau để chú không bị cô độc, lẻ loi.
         Trên đường về quê  hương dấu yêu sau khi  bị  bọn  trẻ bắt làm đồ chơi, chú Dế Mèn ích kỷ ngày nào đã khôn lớn và chín chắn. Chú giúp chị Nhà Trò  nhỏ  bé, nhút nhát  xóa  nợ, hóa giải hiềm khích với họ nhà Nhện. Và cứ thế, Dế Mèn dần trưởng thành hơn từng  giờ, từng  ngày. Hành  trình  của  Dế Mèn cứ thế nối tiếp dài với bao bài học sâu sắc. Cuộc  phiêu lưu ấy kết thúc trong niềm vui đoàn viên, và cả  nỗi buồn mất người thân. Dế Mèn viếng mộ mẹ bên đầm  nước mà  lời mẹ dạy lúc sinh thời vẫn vang vọng đâu đây      

      Đọc cuốn sách này, các bạn dường như đang được phiêu lưu cùng Dế Mèn qua bao cuộc hành trình. Có những sai lầm, có những bài học đắt giá, có những ân hận và có cả những giọt nước mắt thấm đẫm qua mỗi bước chân đầu đời. Nhưng hơn hết, Dế Mèn lại giúp chúng ta học thêm bao bài học, dạy ta  yêu thương, biết ước mơ và hành động vì ước mơ đó. Dế Mèn đã sống và trưởng thành như thế đấy !

       Chưa bao giờ vơi đi sức hấp dẫn, cuốn sách này đã, đang và sẽ mãi mãi là cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam và cả Thế giới. Những giá trị, những ý nghĩa  mà cuốn sách để lại thật chưa bao giờ là xưa cũ. Và Dế Mèn vẫn là người bạn thân thiết, gần gũi với tất cả thiếu nhi !

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Giới thiệu sách

CHỦ TỊCH
HỒ CHÍ MINH
VỚI NỀN NGOẠI GIAO CÁCH MẠNG VIỆT NAM

     
       Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ( nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho nhân dân ta. Cuộc đời và sự nghiệp vinh quang của Người là một biểu tượng tuyệt vời về quyết tâm của một dân tộc anh hùng: “  Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và sự tiến bộ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO tôn vinh là người “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân dân Việt Nam.
         Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần đoàn kết dân tộc, là tấm gương đạo đức, phẩm chất của người Cộng sản: Trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế cao cả.
      Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mãi mãi tỏa sáng, đưa đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước, liên tiếp giành những thắng lợi vẻ vang và đang vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
       Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác ngoại giao từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người đã để lại cho Ngoại giao Việt Nam một di sản vô giá, đó là: “Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí minh”, đặt nền móng và mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho công tác đối ngoại của nước ta.
        Để thiết thực “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Thư viện Quế Sơn trân trọng giới thiệu đến Quí bạn đọc cuốn sách : “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam” do nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường sưu tầm, biên soạn được Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin  ấn hành năm 2013 
    Cuốn sách dày 305 trang được in trên khổ sách (23x29cm); Bìa sách được làm từ chất liệu giấy cứng, đẹp. 



       
        Với gần 700 bức ảnh về Người, trong đó có nhiều tác phẩm chưa từng được công bố, được sưu tầm từ Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh và một số tác giả trong và ngoài nước.
       Cuốn sách ảnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam” đã phác họa một cách chân thực và sinh động toàn bộ quá trình hoạt động, tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.
       Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có lời dề tựa cuốn sách ảnh sâu sắc: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của ý chí độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, của nền ngoại giao hòa hiếu, muốn làm bạn của các nước, đoàn kết với các dân tộc vì hòa bình, hợp tác và hữu nghị trên thế giới. Bác Hồ là người thầy của nghệ thuật ứng xử “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” dựa trên sự hiểu biết sâu sắc, kiến thức uyên bác và tầm nhìn chiến lược trước các vấn đề lớn của dân tộc và thời đại. Nền ngoại giao cách mạng Việt Nam gắn liền với cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng đầy gian khổ hy sinh và cũng thật vinh quang, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
      Tác giả Trần Mạnh Thường đã rất sáng tạo khi xây dựng kết cấu tác phẩm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam" thành bốn phần với các chủ đề:
- Hành trình đi tìm đường cứu nước.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại.
- Các nhà ngoại giao tiếp nối xứng danh học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
       Qua cuốn sách - chúng ta càng thấy xúc động, tự hào và nhận rõ trách nhiệm to lớn trong việc giữ gìn, kế thừa và phát huy những di sản to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Người sẽ sống mãi trong tim của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.


       Cuốn sách ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam” Hiện đang được lưu giữ và phục vụ tại Thư viện huyện Quế Sơn. Xin trân trọng giới thiệu đến tất cả bạn đọc ./.