Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

NHỮNG BÀI THƠ HAY NGÀY 20-11

Chúng ta không khỏi xao xuyến mỗi khi đọc những vần thơ tình cảm, đầm ấm về tình thầy trò dưới mái trường. Thư viện Quế Sơn xin chia sẻ với bạn đọc một số bài thơ hay nhất về tình thầy trò nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.




    Nghe thầy đọc thơ
    Em nghe thầy đọc bao ngày
    Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quê nhà
    Mái chèo nghe vọng sông xa
    Êm êm như tiếng của bà năm xưa
    Nghe trăng thuở động tàu dừa
    Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời
    Thêm yêu tiếng hát mẹ cười
    Yêu thơ em thấy đất trời đẹp ra…
                                 Trần Đăng Khoa

Không đề
    Cầm bút lên định viết một bài thơ
    Chợt nhớ ra nay là ngày nhà giáo
    Chợt xấu hổ cho những lần cao ngạo
    Thì ra con cũng giống bấy nhiêu người.  
    Cầm bút lên điều đầu tiên con nghĩ
    Đâu là cha, là mẹ, là thầy…
    Chỉ là những cảm xúc vu vơ, tầm thường, nhỏ nhặt…
    Biết bao giờ con lớn được,  
    Thầy ơi ! Con viết về thầy, lại “phấn trắng”,”bảng đen”
    Lại “kính mến”, lại “hy sinh thầm lặng”…
    Những con chữ đều đều xếp thẳng
    Sao lại quặn lên những giả dối đến gai người.
    Đã rất chiều bến xe vắng quạnh hiu
    Chuyến xe cuối cùng bắt đầu lăn bánh
    Cửa sổ xe ù ù gió mạnh
    Con đường trôi về phía chẳng là nhà…  
    Mơ màng nghe tiếng cũ ê a
    Thầy gần lại thành bóng hình rất thực
    Có những điều vô cùng giản dị
    Sao mãi giờ con mới nhận ra.  
                               Nguyễn Thị Chí Mỹ
    
    Tri thức ngày xưa trở lại đây,
    Ân tình sâu nặng của cô thầy!
    Người mang ánh sáng soi đời trẻ;
    Lái chuyến đò chiều sang bến đây?
    Đò đến vinh quang nơi đất lạ;
    Cám ơn người đã lái đò hay!
    Ơn này trò mãi ghi trong dạ…
    Người đã giúp con vượt đắng cay!
                          Nguyễn Trung Dzũng

        Thưa Thầy
    Thưa thầy, bài học chiều nay
    Con bỏ quên ngoài cửa lớp
    Dưới gốc phượng già, nằm nghe chim hót
    Con hóa mình thành bướm và hoa
    Thưa thầy bài tập hôm qua
    Con bỏ vào ngăn khóa kín
    Mải lượn lờ theo từng vòng sóng
    Cái ngã điệu đàng, sân trượt patin
    Thưa thầy, bên ly cà phê đen
    Con đốt thời gian bằng khói thuốc
    Sống cho mình và không bao giờ mơ ước
    Mình sẽ là ai? Tôi sẽ là ai?
    Thưa thầy, qua ngõ nhà thầy khuya nay
    Con vẫn thấy một vầng trăng ấm sáng
    Thầy ngồi bên bàn phẳng lặng
    Soạn bài trong tiếng ho khan
    Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn
    Sao con học hoài không thuộc
    Để bây giờ khi con hiểu được
    Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy
                                        Tạ Nghi Lễ


Thầy và chuyến đò xưa
    Lặng xuôi năm tháng êm trôi
    Con đò kể chuyện một thời rất xưa
    Rằng người chèo chống đón đưa
    Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều
    Bay lên tựa những cánh diều
    Khách ngày xưa đó ít nhiều lãng quên
    Rời xa bến nước quên tên
    Giờ sông vắng lặng buồn tênh tiếng cười
    Giọt sương rơi mặn bên đời
    Tóc thầy bạc trắng giữa trời chiều đông
    Mắt thầy mòn mỏi xa trông
    Cây bơ vơ đứng giữa dòng thời gian...
                                              Nguyễn Quốc Đạt



    Người lái đò

Một đời người - một dòng sông...
    Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,
    "Muốn qua sông phải lụy đò"
    Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa...  
    Tháng năm dầu dãi nắng mưa,
    Con đò trí thức thầy đưa bao người.
    Qua sông gửi lại nụ cười
    Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.
    Con đò mộc - mái đầu sương
    Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,
    Khúc sông ấy vẫn còn đây
    Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...
                                            Thảo Nguyên


Xin lỗi các em
    Tôi đâu phải người làm nông
    Cày xong đánh giấc say nồng một hơi
    Chuông reo tan buổi dạy rồi
    Còn nghe ray rứt nỗi đời chưa yên.
    Trách mình đứng trước các em
    Dửng dưng cả tiếng hồn nhiên gọi: Thầy!
    Rụng dần theo bụi phấn bay
    Ước mơ một thuở căng đầy tuổi xanh
    Dẫu là lời giảng của mình
    Cơn ho chợt đến vô tình cắt ngang
    Dẫu là tiết học vừa tan
    Bước qua cửa lớp đôi lần hụt hơi!
    Hiểu dùm tôi các em ơi
    Giấu bao ám ảnh khôn nguôi từng giờ
    Cảnh đời chộn rộn bán mua
    Áo cơm nào dễ chi đùa với ai.
    Vờ quên cuộc sống bên ngoài
    Nhiều điều xa lạ nói hoài riết quen
    Dở hay, yêu ghét, trắng đen
    Còn bao sự thật đã nhìn thẳng đâu
    Ai còn dằn vặt đêm sâu
    Trong từng sợi tóc bạc màu truân chuyên
    Thật lòng tạ lỗi các em
    Hiểu ra khi đã lớn lên mai này!
                                              Trần Ngọc Hưởng
Bụi phấn xa rồi
    Ngẩn ngơ chiều khi nắng vàng phai
    Thương nhớ ngày xưa chất ngất hồn
    Một mình thơ thẩn đi tìm lại
    Một thoáng hương xưa dưới mái trường
    Cho dẫu xa rồi vẫn nhớ thương,
    Nầy bàn ghế cũ, nầy hàng me
    Bảng đen nằm nhớ người bạn trẻ
    Bụi phấn xa rồi... gửi chút hương!
    Bạn cũ bây giờ xa tôi lắm
    Mỗi đứa một nơi cách biệt rồi!
    Cuộc đời cũng tựa như trang sách
    Thư viện mênh mông, nhớ mặt trời!!!
    Nước mắt bây giờ để nhớ ai???
    Buồn cho năm tháng hững hờ xa
    Tìm đâu hình bóng còn vương lại?
    Tôi nhớ thầy tôi, nhớ... xót xa!
    Như còn đâu đây tiếng giảng bài
    Từng trang giáo án vẫn còn nguyên
    Cuộc đời cho dẫu về muôn nẻo
    Vẫn nhớ thầy ơi! Chẳng thể quên!!!
                                       Thái Mộng Trinh


Khi thầy về hưu
    Cây phượng già treo mùa hạ trên cao
    Nơi bục giảng giọng thầy sao chợt thấp:
    "Các con ráng… năm nay hè cuối cấp…"
    Chút nghẹn ngào… bụi phấn vỡ lao xao.
    Ngày hôm qua hay tự tháng năm nào
    Con nao nức bước vào trường trung học
    Thương cây lúa hóa thân từ hạt thóc
    Thầy ươm mùa vàng, đất vọng đồng dao.
    Mai thầy về, sân trường cũ nằm đau?
    Hay nỗi nhớ lấp vùi theo cát bụi?
    Dẫu cay đắng, dẫu trăm nghìn đau tủi
    Nhọc nhằn nào thầy gửi lại ngày sau?
    Mai thầy về, mùa gọi nắng lên cao
    Vai áo bạc như màu trang vở cũ
    Con muốn gọi sao lòng đau nghẹn ứ
    Đã bao lần con ngỗ nghịch thầy ơi!
                                              Lá Me

( http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/nhung-bai-tho-hay-ngay-20-11-danh-tang-thay-co-340453.html

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

PHỤ NỮ VIỆT NAM
 RẠNG NGỜI CÙNG NĂM THÁNG

       Khi tháng 10 về, lòng người luôn bồi hồi, xúc động bởi trong ai cũng luôn hướng về ngày mà cả đất nước Việt Nam ghi nhận, tôn vinh – Ngày Phụ nữ Việt Nam. Trong cái mệt mỏi, bề bộn, xô bồ của cuộc sống- có một điểm tựa bình yên, hiền dịu, êm ái đó chính là người phụ nữ. Ánh sáng kỳ diệu mà người phụ nữ đem lại đó chính là ánh sáng của tình mẫu tử nơi người mẹ, là lòng chung thủy, son sắc của người vợ, là tình yêu của cô gái… Tất cả tạo nên một thế giới huyền bí mà cuộc đời không thể không có.
       Phẩm chất người phụ nữ Việt Nam luôn tỏa sáng trong cuộc sống đời thường, lung linh trong các áng thơ, văn. Từ Mẹ Âu Cơ đưa các con đi mở nước, đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu phất cờ, dấy binh khởi nghĩa chống lại ách độ hộ của ngoại xâm, rồi Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, Đô đốc Bùi Thị Xuân… trong bất cứ thời đại nào cũng đều có những người phụ nữ xuất chúng, có công lao với đất nước và sống mãi trong lòng dân tộc.


      
        Tiếp nối truyền thống hào hùng đó, phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã bền bỉ cống hiến, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, phụ nữ đã trở thành lực lượng cách mạng quan trọng. Chúng ta không thể quên những thế hệ phụ nữ anh hùng đã đổ mồ hôi, xương máu, hy sinh tính mạng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước như: nữ tướng Nguyễn Thị Định, các chị Nguyễn Thị Út, Trần Thị Lý, Đặng Thùy Trâm… , không thể quên sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, 12 cô gái Truông Bồn…
       Còn những phụ nữ không trực tiếp tham gia chiến đấu nơi trận tuyến thì hăng hái lao động sản xuất, làm nên hạt lúa, củ khoai, manh áo… tiếp thêm sinh lực để bộ đội ta “ăn no, đánh thắng”.
       Từ thực tiễn cuộc sống và chiến đấu, đã hình thành nên những phẩm chất, đức tính quý báu của người phụ nữ Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng qua 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
       Không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, đảm đang trong lo toan gia đình, phụ nữ Việt Nam còn có phẩm chất của sự thông minh, sáng tạo. Ngay từ thời phong kiến, mặc dù địa vị xã hội của người phụ nữ không được coi trọng, nhưng đã xuất hiện những con người mà trí tuệ của họ khiến đấng mày râu và xã hội phải khâm phục như: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan…
       Trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, phụ nữ có mặt ở tất cả các lĩnh vực công tác của xã hội. Ngày càng có nhiều nhà chính trị, nhà khoa học, nữ doanh nhân nổi tiếng… đã, đang và sẽ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Non sông Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
       Ca ngợi người phụ nữ luôn là chủ đề lớn của thơ ca. Đại thi hào Nga- Maxim Goocki, cũng đã dành tình cảm trân trọng và lòng biết ơn vô hạn đối với những người mẹ, người vợ:
       Cả thế giới nương nhờ dưới hai bầu vú mẹ,
       Trời không ánh sáng, hoa nào nở,
       Dạ vắng yêu thương, cảnh những sầu,
       Đời thiếu Mẹ hiền, không phụ nữ,
       Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?
                                                               Phạm Thanh Bằng- Khoa Sư phạm dạy nghề

        ( http://cogioi.edu.vn/phu-nu-viet-nam-rang-ngoi-cung-nam-thang/)