Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

QUẾ SƠN, MỘT CHÂN DUNG ĐẶC BIỆT

Quế Sơn, đất và người gồm 6 chương đầy đặn, phong phú.

     Huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) cũng có những lần thay đổi về địa vực, ranh giới hành chính như nhiều vùng khác trong lịch sử, khi huyện Nông Sơn được tách ra.
     Nhưng đây là vùng đất có một “chân dung đặc biệt” và vẫn giữ những gia tài độc đáo về văn hóa làng, xã, nghề nghiệp truyền thống, những lễ hội dân gian đặc trưng của giao thoa văn hóa Chăm - Việt và nhiều nhân vật biết vượt qua những khó khăn, gian khổ để học hành, thành tài, tạo ra một chân dung văn hóa, một “tấm căn cước riêng” làm nên diện mạo những vùng quê…
    Các tác giả Lê Thí, Phạm Úc và Trương Vũ Quỳnh đã mất nhiều năm nghiên cứu tài liệu, điền dã để hình thành cuốn sách mang tên Quế Sơn, đất và người (NXB Hội Nhà Văn, 2015) dày hơn 600 trang. Lần theo công trình này, chúng ta biết thêm sự hình thành của một vùng đất mà các vị tiền hiền như Phạm Nhữ Dực và các hậu duệ của ông đã có công khai phá, xây dựng trong nhiều thế kỷ sau đó.
    Ta lại biết thêm, đợt di cư đông đảo vào sinh sống ở Quế Sơn là sau năm 1402, khi Hồ Hán Thương đem quân tấn công lãnh thổ của người Chiêm và thành lập 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. “Một chứng cứ khác rất thuyết phục cho luận điểm này là di tích mộ của Phạm Nhữ Dực (1319-1409) hiện nay còn ở làng Đồng Tràm, thuộc xã Hương An, được chôn vào năm 1409 - năm mà người Chiêm đã lấy lại vùng Thăng Hoa và cả phần phía nam châu Hóa (Bắc Quảng Nam ngày nay), được gần 2 năm.
     Không chỉ có mộ Phạm Nhữ Dực, mà các con, cháu của ông là Phạm Đức Đề, Phạm Nhữ Dự cũng được chôn ở vùng Thăng Hoa. Tộc Phạm cũng quyết lấy đất Quế Sơn làm quê hương thứ hai của mình ở xứ Đàng Trong…”, hay “Lịch sử của làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp) cũng cho biết thế hệ thứ hai đến sinh sống thực sự tại làng và trở thành tiền hiền của làng thuộc các họ Lê, Đinh, đã từ Nghi Lộc (Nghệ An) theo vua Lê đi bình Chiêm năm 1471.
    Sau đó, triều đình đã yêu cầu ở lại khai phá vùng đất mới này. Sau này, dưới thời nhà Lê và thời các chúa Nguyễn, cuộc di cư đến sinh sống ở Quế  Sơn vẫn được tiếp diễn nhưng có lẽ không ồ ạt như trước. Đợt di cư lớn nhất trong giai đoạn này có lẽ diễn ra vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa (1558) rồi sau này kiêm quản luôn xứ Quảng Nam (1570)…”. Các tác giả đã minh chứng lịch sử qua nhiều tài liệu, chứng cứ lịch sử. Nhưng quan trọng hơn là những tư liệu điền dã công phu của nhóm tác giả khi tiếp cận, nghiên cứu nhiều gia phả của nhiều tộc họ hiện sinh sống ở Quế Sơn có lịch sử gần 600 năm và rất trùng khớp với cuộc di dân dưới thời Hồ Quý Ly…
    Quế Sơn, đất và người gồm 6 chương đầy đặn, phong phú, nhưng quan trọng nhất vẫn là phần giới thiệu “Nhân vật Quế Sơn”. Chúng ta đọc lại những tư liệu về Phạm Nhữ Dực, Phạm Nhữ Dự (1378-1434),  “Thượng tướng bình Chiêm” Phạm Nhữ Tăng cùng các hậu duệ lừng danh của tộc Phạm, về tiền hiền Nguyễn Văn Lang (hay Lãng) được xem là thủy tổ khai cơ của tộc Nguyễn tại vùng đất Hương Quế (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) và con trai ông là Nguyễn Ngọc Thanh sau này đã theo phò Nguyễn Kim, được phong làm Chánh Đô đốc và là một trong tam vị tiền hiền của làng Hương Quế.
    Lịch sử Quế Sơn còn sinh ra những người con như: Thứ Phu Phan Văn Thuật, Hối Thúc Phan Quang, Nguyễn Mậu Hoán, một trong tứ kiệt Quảng Nam… Rồi đến những tướng lĩnh, những nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà chính trị đương đại Phan Khoang, Phan Du, Nguyễn Huy Chương, Hoàng Châu Ký, Nguyễn Xuân Phúc, Tường Linh, Ý Nhi, Hoàng Hương Việt, Huỳnh Văn Hoa…; và những gương mặt còn rất trẻ nhưng đã có chỗ đứng trong làng văn, học giới… Tất cả hơn 50 nhân vật, tạo cho Quế Sơn một diện mạo đáng nể về văn hóa và lịch sử.
    Những di tích văn hóa như Đồng Tràm, Hương Quế, căn cứ Trung Lộc của cụ Hường Hiệu, chợ Đàng, Hòn Tàu, làng hát bội Đức Giáo, làng cổ Nghi Sơn… cùng các làng nghề truyền thống, những thắng cảnh của vùng đất này cũng được tái hiện, bên cạnh những tác phẩm văn học tiêu biểu được trích dẫn. Qua đó, các tác giả còn muốn đi xa hơn nữa ngoài một công trình mang tính địa dư chí như ta vẫn thấy.
                                                                       TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG






http://www.baodanang.vn/channel/5417/201506/the-gioi-sach-que-son-mot-chan-dung-dac-biet-2423270/

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

NỘI QUY
 THƯ VIỆN HUYỆN QUẾ SƠN

    -  Vào Thư viện phải giữ trật tự, im lặng và giữ vệ sinh chung- không hút thuốc.
    -  Phải có thẻ bạn đọc mới được mượn sách- Mỗi lần mượn không quá 3 bản sách. Thời hạn mượn: 1tuần; nếu đọc chưa xong- bạn đọc phải đến Thư viện xin gia hạn lại; chưa trả sách không được mượn tiếp.
    -  Các loại sách quí hiếm, từ điển chỉ được sử dụng tại chổ.
    -  Bạn đọc cần giữ gìn sách, báo cẩn thận: không làm rách, bẩn; không vẽ,viết vào sách, báo; cần tham gia bao bọc và tu sửa sách, báo.
    -  Làm mất sách phải đền sách mới hoặc đền tiền tương đương với giá trị thực tế. Làm hư hỏng tùy theo mức độ phải đền bù thỏa đáng.
    -  Không mang tài liệu sách, báo(kể cả tư trang, túi xách …) vào kho. Không mang tài liệu sách, báo ra khỏi Thư viện khi chưa được sự đồng ý của cán bộ Thư viện.
    -  Mọi tài sản cá nhân( tư trang, túi xách, …) phải để đúng nơi qui định và bạn đọc phải tự  giữ lấy.
           - Mỗi năm Thư viện khen thưởng các bạn đọc thường xuyên và có nhiều đóng góp cho Thư viện.




Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015


NỘI QUY
Quản lý, sử dụng Máy tính và truy nhập Internet cộng cộng
Tại Thư viện huyện Quế Sơn
Điểm tiếp nhận Dự án BMGF – VN

    - Mọi công dân đều có quyền đươc sử dụng máy tính và truy nhập Internet miễn phí tại Thư viện để đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập ,nghiên cứu, giải trí và các mục đích cá nhân khác phù hợp với nội quy của Thư viện.
    - Người sử dụng máy tính trong Thư viện chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình xây dựng, lưu trữ trong máy và truyền tải trên Internet.
    - Người sử dụng  phải giữ trật tự, im lặng, giữ vệ sinh chung, không hút thuốc ; có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn tài sản, trang thiết bị, máy tính và các tài sản khác của Thư viện; tài sản cá nhân bạn đọc phải tự giữ lấy.
    - Trẻ em dưới 16 tuổi khi sử dụng máy tính phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên Thư viện.
    - Người sử dụng không truy nhập, lưu trữ, truyền bá các thông tin và hình ảnh đồi trụy, vi phạm thuần phong mỹ tục; chống lại chính sách và pháp luật của Nhà nước, gây rối trật tự an ninh …  Phát tán các chương trình virus cho máy tính và Internet.

                                               Thư viện huyện Quế Sơn






Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

GIỚI THIỆU VỀ THƯ VIỆN QUẾ SƠN

Thư viện Quế Sơn thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Quế Sơn được thành lập năm 1977. Trụ sở đang đóng tại: Đường Tôn Đức Thắng, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Từ tháng 11 năm 2014,Thư viện tiếp nhận và đưa vào  phục vụ bạn đọc gồm 10 máy vi tính và 01 máy in từ dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ BILL& MELINDA GATES tài trợ.

              * Các dịch vụ Thư viện cung cấp cho bạn đọc gồm:
      - Đọc sách tại chỗ hoặc cho mượn về nhà.
      - Truy nhập Internet công cộng miễn phí.
      - Tra cứu thông tin với các cơ sở dữ liệu trực tuyến (Online) hoặc  ngoại tuyến (Offline).
      - Được hướng dẫn sử dụng dịch vụ trên máy.

               * Thời gian mở cửa:
      - Từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần.
       + Mùa Hè: (Từ đầu tháng tư đến hết tháng chín)
         - Sáng: Từ 6g30- 11g.
         - Chiều: Từ 13g30- 17g.
       + Mùa Đông: (Từ đầu tháng 10 đến hết tháng ba).
         - Sáng: Từ 7g – 11g 30.
         - Chiều:Từ 13h- 16g30.

       Hân hạnh được phục vụ quí bạn đọc đến Thư viện!






Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

THƯ VIỆN QUẾ SƠN TỔ CHỨC TRƯNG BÀY, GIỚI THIỆU SÁCH, BÁO VỀ QUÊ HƯƠNG QUẾ SƠN


Nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Quế Sơn lần thứ XXIV Thư viện Quế Sơn tổ chức trưng bày, giới thiệu, … và phục vụ quý bạn đọc các loại sách, báo, tạp chí, … viết về quê hương Quế Sơn; của các tác giả là người con của Quế Sơn đang sinh sống trên mọi miền đất nước
Thời gian: Bắt đầu từ tháng 6 năm 2015 đến hết tháng 8 năm 2015
Địa điểm: Thư viện Quế Sơn
Địa chỉ: Trung tâm Văn hóa Thể thao Quế Sơn- Đường Tôn Đức Thắng, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam



HÃY ĐẾN THƯ VIỆN QUẾ SƠN ĐỂ ĐỌC SÁCH, BÁO MỚI!

Thư viện Quế Sơn vừa được bổ sung nhiều loại sách, báo, … mới- Có nội dung phong phú và hấp dẫn với quí bạn đọc; nhất là các em học sinh trong dịp hè.
Rất hân hoan vui mừng chào đón quí bạn đọc đến đọc sách, báo, … mới và sử dụng Internet miễn phí tại Thư viện Quế Sơn, Quảng Nam