Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

QUẢNG NAM
 ĐẤT VĂN HÓA, ĐẤT KHOA BẢNG, ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

Không ồn ào như Đà Nẵng cũng không quá lặng yên như Huế, Quảng Nam luôn mang đến cho du khách những cảm nhận thú vị riêng chính bởi vẻ đẹp từ chiều sâu giá trị văn hóa và nét giản dị nhưng rất phóng khoáng của con người và thiên nhiên. Hãy một lần đến nơi đây để khám phá và tự hào về mảnh đất văn hóa - Đất khoa bảng - Địa linh nhân kiệt.
Tiếp nhận nền văn hóa Champa, và ngay sau đó, từ rất sớm, con người trên vùng đất mới Quảng Nam là những người Việt đầu tiên tiếp xúc với văn hóa phương Tây, qua các nhà buôn, các giáo sĩ; rồi đến người Hoa, người Nhật, qua cửa khẩu Hội An. Sự giao lưu với nhiều luồng văn hóa khác nhau ấy đã để lại những dấu ấn đậm nhạt khác nhau trên mọi mặt sinh hoạt xã hội, thể hiện trong các hình thái văn hóa dân gian.
Đến với Quảng Nam, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về nếp sinh hoạt, tính thân thiện và cuộc sống mộc mạc của con người Quảng Nam; được đắm chìm trong không gian cổ kính, hiền hòa của Đô thị cổ Hội An - nơi vừa được Tạp chí Du lịch Wanderlust bình chọn là Thành phố được yêu thích nhất thế giới năm 2012.




Hội An hấp dẫn du khách bởi nét cổ kính với những ngôi nhà nhỏ, rêu phong nằm kề bên nhau...


Hội An hấp dẫn du khách bởi nét cổ kính với những ngôi nhà nhỏ, rêu phong nằm kề bên nhau. Bước chân vào khu phố cổ, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một thế giới biệt lập, tách khỏi mọi dòng chảy và sức phá hủy của thời gian. Không có tiếng động cơ gầm rú cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn màu. Tất cả đã lùi xa sau lưng, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa, Cầu chùa, dãy nhà cổ hai tầng quay lưng phía bến sông Hoài, các hội quán... đang lặng lẽ tồn tại để con người hoài niệm về một thời quá khứ.
Du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp linh thiêng, huyền ảo của Khu đền tháp Mỹ Sơn. Thánh địa Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc Ấn Độ, đặc biệt hơn, ở đây còn có một tòa thánh địa được xây dựng vào thế kỉ IV, là nơi thờ cúng đầu tiên trong khu vực Thánh địa này. Trước mỗi đền thờ chính của Thánh địa, có bàn thờ bộ Linga và một biểu tượng của thần Siva, đây là vị thần bảo hộ cho vua Champa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.


            

Du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp linh thiêng, huyền ảo của Khu đền tháp Mỹ Sơn


Xuôi về thành phố Tam Kỳ và cách Tam Kỳ 7km về phía Tây, hồ Phú Ninh hiện lên như một thiếu nữ thướt tha nằm vắt vẻo trên mảnh đất xanh xứ Quảng. Giao hòa giữa vẻ đẹp đất, núi, trời, hồ Phú Ninh làm say lòng du khách bởi bức tranh thủy mặc đầy màu sắc nhưng lại làm lòng người thanh tịnh. Nhìn từ trên xuống, hồ Phú Ninh. Đây được xem là chốn thiên đường cho những ai muốn tránh xa chốn ồn ào đô thị, để tìm tới cái thanh tịnh, bình lặng. Tương truyền rằng nơi đây đã từng có một ngôi làng sinh sống, nhưng do nước hồ ngày dâng cao, ngôi làng ấy đã ngập tràn trong nước. Và bây giờ, dưới đáy hồ, những công trình của ngôi làng vẫn còn nằm đấy. Trên mặt hồ có khoảng 30 hòn đảo lớn nhỏ, nhấp nhô, làm cho du khách say đắm khôn nguôi.
Hồ Phú Ninh hiện lên như một thiếu nữ thướt tha nằm vắt vẻo trên mảnh đất xanh xứ Quảng...
Quảng Nam còn là nơi lưu giữ hàng trăm công trình kiến trúc Việt cổ như đình, chùa, văn miếu, lăng miếu, nhà ở,… có niên đại cách đây 300 - 500 năm. Các di tích này không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật mà còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, thể hiện sự phát triển lâu đời của một vùng văn hóa đàng Trong. Những kinh đô cổ Trà Kiệu, các tháp chàm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bàng An, Phật viện Đồng Dương...là những nơi ghi lại dấu ấn rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt.
Giá trị văn hóa của Quảng Nam không chỉ tỏa sáng từ những công trình kiến trúc cổ mà còn được tạo nên bởi những sắc màu văn hóa độc đáo ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội. Lễ hội ở Quảng Nam hết sức phong phú và đa dạng. Các lễ hội của người dân miền núi, miền biển, lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo,... tất cả đều mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, được tổ chức đều đặn hàng năm để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; để ngợi ca những bậc tiền nhân; hướng về cội nguồn, truyền thống của dân tộc và thể hiện khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ của con người nơi đây.
Quảng Nam còn là nơi có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ nhiều đời nay. Trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm, nghề và làng nghề đã tồn tại và phát triển ở đây như một phần không thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm của vùng đất này.



Quảng Nam hấp dẫn du khách bởi màu sắc văn hóa độc đáo từ hệ thống làng nghề, lễ hội
Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thức với mì Quảng, cao lầu Hội An, bê thui Cầu Mống, bánh tráng cuốn thịt heo, giò ốc, ốc vú nàng, bánh vạc, bánh bao, bánh tổ,…đã làm nên nét riêng của vùng đất này.
Các món ăn đất Quảng đi vào đời sống, vào câu ca dao dân ca, vào tâm linh - tâm hồn người Quảng Nam. Những món ăn từ dân dã đến cầu kỳ mà từ cách ăn đến cách chế biến cũng như tính cách người Quảng: cần kiệm, dè sẻn mà lại phóng khoáng,vui tươi. Mộc mạc mà đậm chất. Từ con cá nục cuốn bánh tráng, rau muống chấm nước mắm “gin” (nguyên chất), cái bánh bèo con con, đến món mì Quảng sợi vàng óng ánh, con bò thui bên trong nhét lá ổi, lá sả thơm phức. Mì Quảng bây giờ đã là món ngon thân quen của người Việt ở nhiều nơi, không thua gì phở Bắc, bún bò Huế, hủ tiếu Mỹ Tho…
Nói tiểu vùng văn hóa Quảng Nam thì cũng phải nhắc tới kho tàng văn nghệ dân gian của nó với vè Quảng, hò đi cấy, hò xay lúa, hò tát nước, hò giã gạo, hò giã vôi, hò đạp xe nước, hò khoan, hò ba lý, hát bã trạo, hát nhân ngãi, hô bài chòi với thổ ngữ và cái giọng Quảng chắc nịch, đậm đà….
Hãy một lần đến Quảng Nam để khám phá vẻ đẹp dải đất miền Trung nắng lắm mưa nhiều - nơi “hội thủy, hội nhân, hội văn hóa”.
                                                                         Kim Phượng sưu tầm
( http://gocnhosantruong.com/doi-song-xa-hoi/du-lich/689-qu%E1%BA%A3ng-nam-v%C3%B9ng-%C4%91%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%8Ba-linh-                      nh%C3%A2n-ki%E1%BB%87t )

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Quế Sơn quê tôi



( https://www.youtube.com/watch?v=NuQf-iTDmro )
                        DU DÀNG NÉT ĐẸP
                     VÙNG ĐẤT QU SƠN

Đi dọc chiều dài của huyện Quế Sơn từ đông sang tây mọi người sẽ được khám phá nhiều điều kỳ thú đến ngỡ ngàng. Du khách sẽ trầm trồ bởi khung cảnh thiên nhiên vẫn còn rất hoang sơ, hùng vĩ của một Suối Tiên kì bí, rồi Cấm Dơi tráng lệ, một Suối Mát - Đèo Le mơ mộng sương khói, rồi đến Hòn Chiêng, Hòn Tàu bí ẩn, một Hồ Giang tịnh lặng êm ả…
          Suối Tiên quyến rũ du khách với hệ thống 14 thác nước, trắng xóa tuôn chảy như những dải lụa trắng bồng bềnh giữa đại ngàn. Du khách mặc sức đắm mình, mơ mộng, khám phá từng con suối với từng vẻ đẹp riêng. Phong cảnh nơi đây hết sức thơ mộng nhờ vào hồ nước nhân tạo dưới chân suối Tiên với làn nước xanh ngắt, mặt hồ phẳng lặng như từ ngàn đời chưa một lần biến động in hình bóng núi tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình quyến rũ bao khách lãng du.
          Vượt qua đèo Đá Trắng, lúc này Hồ Giang, Suối Nước Mát – Đèo Le đã hiện ra như một bức tranh vừa thơ mộng vừa hùng vĩ. Hồ Giang là một hồ nước nhân tạo nằm dưới chân Đèo Le. Sáng sớm, không khí rất trong lành, từng làn gió mát, ánh mặt trời len qua các kẽ lá chiếu xuống những con đường gập ghềnh đá sỏi. Những trưa nắng, gió miên man đuổi nhau trên tấm thảm nhung của những cánh rừng xanh ngắt. Đất trời ngả về chiều, gió hơi se lạnh, cảm giác thư thái, bay bổng khiến lữ khách quên hết những nhọc nhằn của cuộc sống bề bộn.
          Ở trên Hồ Giang là khu du lịch sinh thái Suối Nước Mát – Đèo Le. Một khu du lịch được thiên nhiên ưu đãi ban tặng với thắng cảnh hùng vĩ, thơ mộng và đầy bí ẩn luôn mời gọi du khách bốn phương. Suối Nước Mát xuất phát từ đỉnh Hòn Tàu, len lỏi qua nhiều vách núi, len lỏi qua nhiều vách núi, róc rách đổ về Đèo Le tạo nên một cảnh trí hữu tình, thơ mộng đem lại cho du khách một cảm giác thư giãn tột cùng khi đến đây. Sự kết hợp giữa núi rừng hoang sơ và bàn tay tô vẻ của con người khiến thiên nhiên càng thêm hấp dẫn. Rất nhiều bậc tam cấp bằng đá được xây thành hai đường về hai phía đi lên hồ tắm và đầu nguồn suối Mát. Rồi những tảng đá lớn với nhiều hình khối khác nhau được xếp tự nhiên và kỳ thú. Là hồ tắm nhân tạo rộng và độc đáo; những nhà hàng, quán bar, nhà nghỉ được xây dựng bên những con suối ẩn khuất sau những con suối  ẩn khuất sau bóng mát của rừng nhằm phục vụ du khách.
Quế Sơn không chỉ hấp dẫn du khách bằng những thắng cảnh đẹp mà còn được đến thăm các di tích lịch sử như nhà tưởng niệm cụ Đỗ Quang, đây là người thanh niên Cách mạng đồng chí hội đầu tiên của tỉnh Quảng Nam anh hùng; nhà thờ tiến sĩ Phan Quang, một trong “Ngũ phụng tề phi” của đất Quảng tài giỏi; và cụm di tích chiến thắng Quế Sơn nằm ngay trung tâm của huyện. Ở đây du khách có thể tham quan Tượng đài chiến thắng, đến Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ để hoài niệm về một thời hào hùng, thắp một nén hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã ra đi để đem lại sự bình yên cho vùng đất thân yêu.
        Bên cạnh đó du khách còn có thể tham quan các làng nghề truyền thống của đất Quế Sơn. Một làng nghề truyền thống vẫn còn giữ được những nét xưa – làng Nón Quế Minh nằm ở ven sông Ly Ly, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những bàn tay điệu nghệ cùng đường kim thanh thoát nhanh nhẹn của những “nghệ nhân” một nắng hai sương cần cù kết nên những chiếc nón trắng nõn nà, tròn trĩnh đầy nghệ thuật. Đối diện với làng Nón, là làng Phở Sắn Đông Phú lâu đời. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều món ăn hơn, bổ dưỡng hơn nhưng tại các lễ tiệc Phở Sắn vẫn là món khoái khẩu của người dân Quế Sơn và níu chân nhiều khách phương xa. Chả biết từ bao giờ, đây trở thành món quà quê của những ai ra thành thị, như muốn giữ lại một hình ảnh quê hương. Rồi làng Gốm Sơn Thắng thuộc xã Quế An, một làng Gốm nổi tiếng với những sản phẩm thủ công hết sức phong phú đa dạng sẽ tiếp tục làm nao lòng bất cứ một du khách khó tính nào. Độc đáo nhất là người thợ thủ công khi làm gốm đã không dùng bàn xoay như những làng gốm khác, sản phẩm được nung chín bằng lửa rơm chứ không phải là củi.
          Những cảnh quan thiên nhiên vẫn còn những nét hoang sơ, môi trường sinh thái trong lành, các món ăn dân dã của đồng nội, đậm đà nghĩa tình vùng quê, với những con người chân chất, hiền hòa mến khách, một vùng đất có truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng anh hùng lâu đời … Những điều này sẽ là điều kiện lý tưởng để du lịch Quế Sơn chuyển mình phát triển trong giai đoạn mới, xứng tầm với cảnh quan xinh đẹp, mê hoặc lòng người – món quà quí mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này.
          Hãy đến Quế Sơn 1 lần để tham gia tour tham quan suối Nước Mát – Đèo Le ăn gà tre độc đáo tại đây.
             ( http://cloudtour.vn/an-choi/diu-dang-net-dep-vung-dat-que-son.html

Gửi hoa đến trường - nhạc sĩ Trần Quế Sơn - tranh cát Trí Đức



( https://www.youtube.com/watch?v=qYxkl9f7Fv8 )

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Ý NGHĨA
CỦA CHIẾN DỊCH CZ & CHIẾN THẮNG CẤM DƠI
Những  ngày cuối tháng 8 năm 1972, cách đây hơn 40 năm các hãng truyền thông phương Tây có đưa tin “Thung lũng Quế Sơn là nơi kinh hoàng và là một thất bại nặng nhất của quân Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa...”. Đó không chỉ là bình luận của giới truyền thông phương Tây mà chính là sự thừa nhận từ Lầu Năm Góc (cơ quan Bộ Quốc phòng Mỹ). Còn với ta, tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng này như thế nào? Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Cấm Dơi (19.8.1972 - 19.8.2012) là dịp ôn lại lịch sử hào hùng, sôi động trên thung lũng Quế Sơn năm xưa từ trận đánh để đời này.
Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi
     Năm 1972 được đánh dấu bởi nhiều chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta và là bước quan trọng chuẩn bị đặt dấu chấm hết lên bàn cờ xâm lược nước ta của kẻ thù. Tiếp sau chiến thắng Quảng Trị trong mùa hè “đỏ lửa” là chiến thắng Cấm Dơi vang dội trong mùa thu lịch sử năm 1972. Cả hai chiến thắng này đều là sự thể hiện sinh động nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta là “ giành thắng lợi quyết định trong mùa hè năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng hiệp thương trên thế thua” (Nghị quyết của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng  tháng 5.1971).
Toàn bộ Chiến dịch giải phóng thung lũng Quế Sơn (có mật danh CZ) được ghi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân ta diễn ra trong 26 ngày đêm (từ 23.7 đến 19.8.1972) và có thể chia làm 3 bước như sau: Bước 1 có tên gọi là bóc vỏ ngoại vi; bước 2 là đánh địch phản kích và bước 3 là tiến công tiêu diệt cứ điểm Cấm Dơi, Quận lỵ Quế Sơn.
Theo đó, rạng sáng ngày 23/7, Trung đoàn 38 (Sư đoàn 711), có sự phối hợp của du kích Sơn Long, Sơn Khánh, Sơn Thạch nổ súng tấn công tiêu diệt địch ở cao điểm Hòn Chiêng và Trung đoàn 31 (Sư đoàn 711), có sự phối hợp của du kích Sơn Lãnh, Sơn Thành nổ súng tấn công cao điểm Động Mông - Đá Hàm, mở màn Chiến dịch và thực sự bắt đầu những ngày “ngồi trên chảo lửa” (lời cố Đại tướng Chu Huy Mân - Nguyên Tư lệnh Quân khu V). Sau hơn một giờ chiến đấu ác liệt quân ta làm chủ hoàn toàn 2 điểm cao này và bước 1 của Chiến dịch kết thúc. Cao điểm Hòn Chiêng (được địch mệnh danh là “Con mắt thần” phía Tây Nam) và Động Mông - Đá Hàm (cách cửa thép phía Tây Bắc) căn cứ Cấm Dơi bị mở tung, đã khiến địch không những ở thung lũng Quế Sơn mà cả miền Trung rung động, buộc Ngô Quang Tưởng (Tư lệnh Vùng I chiến thuật của địch) phải bay vào Núi Quế lập sở chỉ huy nhẹ trực tiếp chỉ huy, xua quân phản kích, tái chiếm lại 2 điểm cao này. Sau 10 ngày tổ chức phản kích quyết liệt, đúng 17 giờ ngày 02.8.1972, Ngô Quang Tưởng đành phải ngậm ngùi để lại câu nói chua xót “Vĩnh biệt Hòn Chiêng” rồi lên máy bay về lại Đà Nẵng. Bước 2 của Chiến dịch hoàn thành, căn cứ Cấm Dơi và Chi khu quân sự Quế Sơn phơi mình chờ đợi phút lâm chung trong tầm ngắm gần của quân và dân ta. Thung lũng Quế Sơn trở lại yên ắng lạ thường, sau khi ta phát đi một mệnh lệnh ngắn gọn “ Các đơn vị dứt chiến, rút quân về hậu cứ làm lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám” lên sóng truyền tin và địch kháo nhau “Việt cộng rút quân về hậu cứ để mừng Cách mạng tháng Tám, bọn mình có thể yên tâm ăn no, ngủ kỹ một thời gian dài...”. Nhưng thật chất là ngày ấy không dài đối với chúng, đúng 05 giờ sáng ngày 17.8, Trung đoàn 31 (do đồng chí Nguyễn Văn Trí chỉ huy) và Trung đoàn 38 (do đồng chí Vũ Đình Nã chỉ huy), sư đoàn 711 do đồng chí Nguyễn Chơn làm Tư lệnh và đồng chí Nguyễn Huy Chương làm Chính ủy, có sự trợ chiến của bộ đội địa phương và dân quân du kích đã đồng loạt tấn công đánh chiếm Ấp Nhà Tằm, Ấp Thuận An và áp sát căn cứ Cấm Dơi. Rạng sáng ngày 18.8, cả thung lũng Quế Sơn rền vang tiếng pháo và cứ điểm Cấm Dơi ngập chìm trong biển lửa bởi các loại pháo của quân giải phóng, đặc biệt là hỏa tiễn tìm diệt mục tiêu B72, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng. Và với cách đánh vây lấn - tấn phá - tiêu mục tiêu, trong hai ngày 18 và 19.8, quân ta đã lần lượt bóc tung 12 lớp rào dày đặc bom mìn, 3 tầng hỏa lực thọc sâu vào căn cứ. Chiều 19.8, trước khi đặt chân vào sở chỉ huy địch thì đồng chí Vũ Đình Nã, Trung đoàn trưởng trung đoàn 38, nhận được điện của đồng chí Nguyễn Chơn, Tư lệnh Sư đoàn 711 báo tin tên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 ngụy Tôn Thất Lữ đã chui rào bỏ chạy rồi, yêu cầu đồng chí Vũ Đình Nã phải trực tiếp chỉ huy vây bắt. Đúng 15 giờ ngày 19/8, lá cờ quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam được cắm lên nóc hầm sở chỉ huy địch, báo hiệu thời khắc thất thủ của căn cứ Cấm Dơi và thung lũng Quế Sơn được giải phóng.
Thời gian sẽ qua đi, nhưng chiến thắng Cấm Dơi, những bài học và ý nghĩa lịch sử của nó vẫn vang vọng mãi trong lòng chúng ta, nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai. Đối với kẻ thù, đó là một đòn đánh đau, một cú điểm đúng huyệt vào một mắc xích trọng yếu trong hệ thống phòng thủ của chúng trên chiến trường Trung Trung bộ như chính Lầu Năm Góc đã thừa nhận “Mất Quế Sơn, Chi khu quận lỵ có căn cứ Cấm Dơi được phòng ngự mạnh vào bậc nhất Việt Nam, chứng tỏ quân đội Việt Nam cộng hòa không đủ sức đương đầu với quân cộng sản ở miền Nam Việt Nam”. Còn với chúng ta, đây chính là sự minh chứng tuyệt vời cho tư tưởng toàn dân vũ trang, toàn dân đánh giặc của tổ tiên ta như Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đánh giá “Chiến thắng Cấm Dơi là một thắng lợi lớn, toàn diện, thắng lợi của sự hợp đồng binh chủng, thắng lợi tuyệt đẹp của ba thứ quân và ba mũi giáp công...”. Đó chính là thắng lợi góp phần quan trọng vào việc mở đường tiến ra Đà Nẵng (hang ổ của Mỹ - Ngụy ở miền Trung), tiến vào Sài Gòn (dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền miền Nam) hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước bằng đại thắng mùa xuân năm 1975./.
                                                                                                Trung Nhân
         ( http://beta.qh-hdqna.gov.vn/Default.aspx?tabid=97&ctl=tcb&tc=149&mid=481