CUỐN
SÁCH
VỀ
TÌNH YÊU SÁCH VÀ TINH THẦN TỰ HỌC
|
Với độ dày gần 200 trang, cuốn sách
được cấu tứ theo hai phần:
Phần
thứ nhất chiếm dung lượng khoảng gần một nửa, thể hiện sự dày công nghiên
cứu, tìm hiểu của tác giả về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sách báo: Từ quan điểm
của Người về vai trò, tác dụng của sách báo, sử dụng báo chí trong công tác
tuyên truyền, cho tới việc Người học viết báo thế nào, tự học ngoại ngữ ra
sao...
Phần
thứ hai giới thiệu về những tấm gương ham đọc sách và tự học trong thời
đại Hồ Chí Minh, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Giáo sư: Tạ Quang Bửu,
Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Hoàng Tụy. Tác giả Vũ Dương Thúy
Ngà chia sẻ, sở dĩ chị chọn những danh nhân lịch sử và nhà khoa học tiêu biểu
ở sáu lĩnh vực khác nhau để giới thiệu, nhằm thông qua từng tấm gương cụ thể,
mong muốn những người đọc ở từng ngành nghề khác nhau sẽ chọn được phương
pháp đọc và tự học phù hợp nhất cho bản thân mình.
Viết về việc đọc sách và tự học, tác
giả đã gửi gắm những thông điệp qua cách chuyển tải nhẹ nhàng, tự nhiên với
những tình tiết, chuyện kể sinh động, gần gũi, gắn với từng nhân vật. Cũng
nhờ cách thể hiện nhẹ nhàng này, chân dung của những con người lỗi lạc trở
nên vô cùng gần gũi, bình dị. Điểm quý của cuốn sách là bên cạnh việc giới
thiệu về những tấm gương ham đọc sách và tự học, lồng ghép trong đó còn có
phần đúc rút phương pháp đọc và phương pháp tự học của từng nhân vật qua góc
nhìn của một người đã có thời gian lâu năm làm việc cùng sách. Với người này
là phương pháp đọc rộng và đọc có ghi chép, phân loại thông tin; không nhất
thời tin theo sách ngay... nhưng ở một số nhà khoa học lại là việc phải chú
trọng đọc ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn hóa, xã hội, lịch sử, bên
cạnh việc đọc các sách chuyên ngành; chú trọng tiếp cận những tài liệu gốc,
kết hợp điền dã để kiểm chứng...
TS Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ, từ hơn
mười năm trước, khi nghiên cứu về việc đọc sách của Bác Hồ, chị đã ấp ủ ý
định sẽ thực hiện một cuốn sách về tình yêu sách và tinh thần tự học của
Người. Nhưng cách đây ba năm, chị mới chính thức bắt tay vào thực hiện cuốn
sách trên cơ sở tìm hiểu thêm về những tấm gương tự học trong thời đại Hồ Chí
Minh. Làm việc trong ngành thư viện, chị có lợi thế trong việc tiếp cận nhiều
nguồn tư liệu đa dạng từ sách báo, các công trình nghiên cứu... Tuy nhiên, để
có những thông tin chính xác và đầy đủ nhất, chị đã phải tìm cách tiếp cận
nhiều nguồn tài liệu khác nhau, không chỉ tra cứu qua những tư liệu có sẵn,
mà còn kiểm chứng qua những con người cụ thể. Đó là những người thân trong
gia đình, bạn bè hay những người đã từng có những nghiên cứu sâu sắc về các
nhân vật trước đó. Chẳng hạn, khi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả
đã tìm gặp những thành viên trong gia đình Đại tướng và cả những thư ký lâu
năm của Đại tướng. Khi viết về Giáo sư Tôn Thất Tùng, tác giả đã tìm gặp vợ
của giáo sư là bà Vi Thị Nguyệt Hồ và nhiều giáo sư uy tín ngành y. Hay viết
về Giáo sư Hoàng Tụy, tác giả đã trực tiếp có những buổi trò chuyện, phỏng
vấn cùng ông để cung cấp cho bạn đọc những câu chuyện thú vị, sinh động...
Phát hành đúng thời điểm kỷ niệm Ngày
sách Việt Nam 21-4, cuốn sách thật sự là công trình nghiên cứu giàu ý nghĩa.
Đặc biệt, trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ
không ngừng phát triển, nâng cao khả năng tự học và đẩy mạnh việc đọc sẽ làm
cho người dân, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện để phát triển trí tuệ, hình
thành nên những con người có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp
nhận, cập nhật tri thức, nâng cao kỹ năng làm việc để có thể thích ứng với
yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Những bài học rút ra từ Những tấm gương ham
đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh rất đáng để mỗi người trong chúng ta
tìm đọc, suy ngẫm, áp dụng và làm theo.
|
TRANG
ANH
|
Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét