Tự học tập và học tập suốt đời là
một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Trong tác
phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác viết: “Lấy tự học làm cốt”. Ngày
21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học
Nhân dân Việt Nam, Bác dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời.
Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho
mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta
ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ
kịp nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 215).
Bác
viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể,
giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích đó thì
phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” (Sđd, tập 5, trang 684). Như
vây, quan niệm về học tập của Bác rất toàn diện: Học tập tri thức đi đôi
với rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập nhằm hoàn thiện đạo làm người,
nâng cao trình độ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; học để phục vụ lợi ích
của Đảng, nhân dân, Tổ quốc và cả nhân loại.
Bác
Hồ phê phán nghiêm khắc tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cho mình là
giỏi nhất thiên hạ. Năm 1957, Người nói với lớp lý luận chính trị khóa I
trường Nguyễn Ái Quốc: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không
biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”(Sđd, tập 8,
trang 499).
Năm sau, trong
bài đạo đức cách mạng đăng trên tạp chí Học tập số 12, năm 1958, Bác viết:
“Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình là
cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng và
chỉ muốn làm thầy quần chúng (Sđd, tập 9, trang 290).
Trước
khi ra đi tìm đường cứu nước (1911), Bác đã học lớp trung đẳng (lớp nhì)
tại Trường Quốc học Huế và lớp cao đẳng (lớp nhất) ở Trường Tiểu học Quy
Nhơn với thầy Phạm Ngọc Thọ. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người
có học ở Trường Đại học Phương Đông (1923), Đại học Quốc tế Lênin (1934),
nghiên cứu sinh Viện nghiên cứu các vấn đề thuộc địa (1937) với luận án về
cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Châu Á. Nhưng Bác chỉ nhận mình tự học và
trên thực tế cả cuộc đời Bác vẫn tự học là chính. Năm 1935, dự Đại hội Quốc
tế Cộng sản lần thứ VII, Người ghi vào phiếu lý lịch của mình như sau:
Trình độ học vấn: tự học; ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Đức, Ý, Trung Quốc.
Bác
học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu và
tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa Phương
Đông và văn hóa Phương Tây. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười
ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Người học từ thực tiễn sinh
động ở các sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn
sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên
thế giới. Phát biểu với sinh viên Trường Đại học Băng Đung trong chuyến
thăm Indonesia sinh 1959, Người nói đại ý: Khi còn trẻ, tôi không có dịp
đến trường học. Cuộc sống, du lịch và làm việc là trường đại học của tôi.
Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và
chính trị. Nó dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa
bình; căm ghét áp bức, ích kỷ…
Đại tướng Hoàng Văn Thái kể rằng, năm 1969, mỗi lần đến làm việc, ông
thường thấy trên chiếc bàn con bên giường của Bác để đầy sách báo đang xem.
Ông lo lắng đến sức khỏe của Bác, nên đề nghị: “Thưa Bác, Bác mệt, Bác nên
đọc ít, để nhiều thời gian nghỉ ngơi thư thả cho lại sức”. Bác trả lời,
giọng như tâm sự mà rành rẽ, dứt khoát từng lời: “Chú bảo Bác không đọc
sách báo ư? Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết
và nhất là vấn đề nắm vững tình hình chứ!”. Những cuốn sách Người đọc ở
thời gian cuối đời là các cuốn: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên
Mông. Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, The Truth about VietNam (sự thật về vấn
đề Việt Nam NXB. Green Leaf Classic, 1966).
Cuộc đời của Bác là một quá trình: vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học
tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt
động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của
bản thân. Người là nơi hội tụ với tầm cao nhất tinh hoa văn hóa nhân loại,
xứng đáng với sự tôn vinh của tổ chức UNESCO: Hồ Chí Minh, một thầy giáo
mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh
thần tự học và học tập suốt đời để chúng ta noi theo. Vì vậy, mỗi cán bộ,
Đảng viên nên đề ra cho mình một lộ trình, một mục tiêu và một phương pháp
tự học suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của bản thân, của gia đình. Có
tự học suốt đời mới có thể phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn./.
(Sưu tầm)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét