Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

QUẢNG NAM- MIỀN KÝ ỨC

"Quảng Nam  - miền ký ức" là tập sách gồm 33 bài ký của 18 tác giả là những văn nghệ sĩ - chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, cầm bút trên chiến trường Quảng Nam (NXB Hội Nhà văn ấn hành - 2017). Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh gắn với 42 năm giải phóng Quảng Nam (24-3-1975 - 24-3-2017), do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với các nhà văn từng sống - chiến đấu trên mảnh đất Quảng Nam thời lửa đạn thực hiện.
Từ năm 1954 đến những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, Quảng Nam ghi dấu nhiều sự kiện của một vùng đất đầy biến động. Lớp nhà văn gạo cội, nổi tiếng của cả nước như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Vũ Hạnh... đã có những tác phẩm tác động cổ vũ tinh thần cho cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân cả nước. Tiếng nói của họ thông qua các tác phẩm, có sức lan tỏa sâu rộng và lâu dài. Thế hệ những nhà văn tiếp theo là Chu Cẩm Phong, Dương thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khắc Phục, rồi đến lớp nhà văn Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Cao Duy Thảo, Hồ Duy Lệ, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Thị Bắc Hà, Đỗ Việt Nghiệm, Nguyễn Bảo...
Những trang nhật ký chân thật, sinh động mà các nhà văn để lại đủ để khẳng định họ đã hy sinh trong tư thế của một người anh hùng mà cuộc đời họ là một áng văn thơ tuyệt vời. Các nhà văn này có mặt ở chiến trường Quảng Nam vào những thời điểm khác nhau. Người sớm nhất vào năm 1965, chậm hơn, nhưng đông đảo hơn vào năm 1971. Ký ức của họ ở chiến trường, đầy đặn, sâu lắng. Và, để có những tác phẩm phản ánh sinh động cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân Khu 5 nói chung, Quảng Nam nói riêng, các nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ cùng nhiều văn nghệ sĩ khác... đã "nằm lại với đất lành" Quảng Nam khi tuổi đời còn rất trẻ và tài năng đang độ chín.

                                          Ảnh tập sách: Quảng Nam-miền ký ức.

Trong bài giới thiệu tập sách "Quảng Nam - miền ký ức" (1954-1975), tác giả Lê Mai nhận xét: Dù cách viết, cách khai thác và biểu hiện của mỗi nhà văn khác nhau nhưng đều mang đến cho bạn đọc vẻ đẹp riêng, cường tráng, tươi mới, long lanh, đa dạng của nguyên mẫu. Có thể nói, tập sách "Quảng Nam - miền ký ức" (1954-1975) là "bộ phim ẩn hình", là góc nhìn của các nhà văn thế hệ kháng chiến, tái hiện sinh động một thời kỳ lịch sử. Các nhà văn - chiến sĩ ngày ấy đã bám sát hiện thực, sống, chiến đấu như một người lính thực thụ. Từ những trải nghiệm máu lửa và sinh động ấy, tiếng lòng của mỗi người cầm bút cũng là sự ngân vang, cộng hưởng cùng muôn tiếng lòng; ký ức của mỗi người gói ghém, ký thác và sự cam kết về lý tưởng sống của cả một thế hệ. Qua sự sàng lọc của thời gian, những trang viết này rồi sẽ kết thành trầm tích văn hóa của một vùng đất. Đây cũng có thể xem là một trong kho tư liệu quý giá về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ hy sinh, thử thách và rực rỡ chiến công trên mảnh đất Quảng Nam kiên cường.
                                                                               Thạch Hà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét