Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
NÓI VỀ BẦU CỬ
       
             Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước…
          Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi ích chung, quên lợi riêng… Những người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ ra hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó.
                                      Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H. 2000, tập 4, tr.145-146.
          Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua,toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy.
                                                                                          Sách đã dẫn (Sđd) tập 4, tr.147.
           Luật bầu cử của ta thật là dân chủ. Tất cả công dân, gái cũng như trai, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, tự do lựa chọn người thay mặt cho mình ở Quốc hội.
                                                                                                               Sđd, tập 10, tr.129.
          Chế độ tuyển cử của chúng ta thực hiện dân chủ đồng thời thực hiện sự đoàn kết toàn dân. Mọi người công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử. Việc tuyển cử tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình.
                                                                                                          Sđd, tập 9, tr.591.
          Từ ngày bầu cử đến nay,Quốc hội ta đã luôn phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí của toàn dân ta, trong mọi công tác kháng chiến cũng như kiến quốc đều nhất trí với những nhận định của Đảng và Chính phủ. Nhờ vậy, mà mọi công tác của chúng ta do Quốc hội thông qua đều được thực hiện tốt đẹp. Đó là một truyền thống quí báu của Quốc hội ta, một ưu điểm căn bản của chế độ ta.
                                                                                                           Sđd, tập 9, tr.158.
          Quyền bầu cử và ứng cử, quyền tham gia công việc Nhà nước và của nhân dân được bảo đảm; quyền tự do dân chủ được thực hiện. Đó là chế độ dân chủ mới.
                                                                                                       Sđd, tập 9, tr.582.


Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Giới thiệu sách
 DANH NGÔN HỒ CHÍ MINH

Bằng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của mình, Bác Hồ kính yêu đã để lại cho nhân dân, đất nước ta không chỉ một nền độc lập vững bền, một cuộc sống tự do, hạnh phúc; mà còn cả một tư tưởng anh minh, một đạo đức cao cả, một tình thương bao la…
Nhân dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Bác (1890 - 2016); Hưởng ứng cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  Thư viện Quế Sơn trân trọng giới thiệu đến Quý bạn đọc cuốn sách “Danh ngôn Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Thanh Niên và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây phối hợp tái bản năm 2005; Sách dày 166 tr ; In trên khổ giấy 13x19cm.


Với hơn 500 lời dạy của Bác rút ra từ những bài nói và viết của Người về các vấn đề hết sức quan trọng của cuộc sống và cách mạng như :
- Về vai trò con người và ý nghĩa việc xây dựng con người;
- Về đánh giá con người;
- Về bồi dưỡng đạo đức;
- Về bồi dưỡng con người và trí tuệ;
- Về chăm lo lợi ích và đời sống con người;
- Về đoàn kết; về lòng yêu nước; về lối sống.
 Danh ngôn Hồ Chí Minh” cũng giúp chúng ta hiểu và học tập được nhiều hơn ở con người Hồ Chí Minh vĩ đại, ở chí khí cách mạng kiên cường, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ở đạo đức chí công, vô tư và đức tính khiêm tốn, giản dị, … tất cả đều dành cho con người và hướng tới con người.
Những tư tưởng trong “Danh ngôn Hồ Chí Minh” được xuất phát từ những lời nói chân thành, dễ hiểu mà vô cùng sâu sắc, chiết ra từ một bộ óc thông thái, một nhân cách cao đẹp và một trái tim nhiệt thành yêu thương con người của Bác Hồ.
Thư viện Quế Sơn trân trọng giới thiệu cuốn sách này với mong muốn cung cấp một tài liệu mới giúp ích thiết thực cho việc nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

THƯ MỤC GIỚI THIU SÁCH

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

       Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cho công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.Tư tưởng vĩ đại, đạo đức tuyệt vời cũng như cuộc đời hoạt động sôi nổi của Người đã trở thành một hệ giá trị văn hóa của loài người, mãi mãi là bộ phận hợp thành nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, Nhà nước và của cả dân tộc Việt Nam. Việc tìm hiểu, nghiên cứu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đã và ngày càng trở thành một nhu cầu vừa cơ bản, lâu dài, vừa bức thiết của mọi người Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, ...


                            

       Để góp phần quán triệt quan điểm của Đảng, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về Bác Hồ của đông đảo bạn đọc, Thư viện huyện Quế Sơn  biên soạn Thư mục giới thiệu sách: “Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Thư mục này tập hợp giới thiệu sơ lược nội dung và hình ảnh của một số cuốn sách về Bác Hồ nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2016).

        1 . Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh : Môt số tư liệu và mẫu chuyện về Bác Hồ với thiếu niên / Hoàng Giai sưu tầm, biên soạn .- Tái bản lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung .-  H. : Văn hóa - Thông tin, 2006 .- 223tr ; 19cm.
   


       Cuốn “ Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh ”đã ghi lại các sự kiện và những mẩu chuyện về Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng gồm 10 chương.
  Năm chương đầu theo diễn biến của thời gian. Đặc biệt là chương IV nói về sự kiện “Tháng 9 năm 1945”. Đây là thời điểm Bác Hồ bận trăm công nghìn việc. Mặc dù vậy, Bác Hồ vẫn dành cho các cháu sự quan tâm đặc biệt. Có thể nói, chưa có thời điểm nào Bác Hồ tập trung sự quan tâm đối với thiếu niên nhi đồng như tháng 9 năm 1945. Thời gian lịch sử đó, Bác Hồ đã hai lần viết thư gửi các cháu (dịp khai trường, Tết Trung thu) và một lần nói chuyện với thiếu nhi (đêm Trung thu Ất Dậu 21-9-1945). Nội dung những bức thư và bài nói chuyện trong dịp này coi như tuyên ngôn đầu tiên của Bác Hồ về công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
    Bốn chương tiếp theo nói về các lĩnh vực thể hiện tình cảm của Bác Hồ với trẻ em. Trong đó có một chương (chương VI) nói về Bác Hồ với trăng Trung thu. Nếu trong thơ của Bác Hồ trăng là một hình ảnh đẹp, sinh động thì trăng Trung thu đã trở thành một biểu tượng thể hiện sự gắn bó sâu sắc giữa Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam: “Trung thu trăng sáng như gương, Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng.
  Chương cuối cùng (chương X) “5 điều Bác Hồ dạy” là kết tinh tình yêu thương của Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng.
   Phần cuối sách có 4 phụ lục, trong đó 2 phụ lục nói về tên họ, biệt hiệu, bút danh của Bác Hồ (Bác Hồ có trên 150 tên họ, biệt hiệu, bút danh).

      2. Bác Hồ viết di chúc / Hồi ký Vũ Kỳ ; Thế Kỷ ghi. – H. : Kim Đồng, 2009. – 118tr. ; 21cm.
      Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành di sản tinh thần vô giá để lại cho muôn đời con cháu mai sau. Để tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, toàn Đảng và toàn dân ta căn cứ vào Di chúc của Người và lời thề thiêng liêng trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước anh linh của Người, nguyện làm theo lời dạy của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi thử thách, khó khăn vững bước tiến lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
       Hồi ký được mở đầu với một buổi sáng trong xanh dịu mát của tháng 5-1965.  Bác Hồ vừa tròn 75 tuổi. Chọn đúng vào một ngày tháng năm, nhân dịp sinh nhật của mình, chọn đúng vào lúc 9g, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây... để viết về ngày ra đi của mình, sao mà thanh thản ung dung đến thế!.
       Ông Vũ Kỳ viết vậy về thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu Tuyệt đối bí mật.
      Câu chuyện Bác Hồ viết di chúc và cuộc sống thường nhật của Bác được người thư ký riêng kể lại chi tiết và cảm động. Chỉ là những chuyện nhỏ thôi; như chuyện Bác Hồ “bí mật” rời Phủ Chủ tịch lên Hồ Tây để tránh liên hoan chúc thọ; chuyện Bác dặn dò người phục vụ nấu ăn theo kiểu Nam bộ để chị Phan Thị Quyên và Nguyễn Thị Châu ở miền Nam ra ăn cho ngon miệng; hay chuyện ông bà Trịnh Đình Thảo và đoàn cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng muốn đến chào Bác nhưng “Bác nói là để Bác đến thăm, người vừa đi đường xa đến, chắc là mệt, mình đến thăm là phải lẽ ” ...
      Chuyện nhỏ thôi, nhưng người đọc lại nhận ra qua những gì tưởng như là nhỏ nhặt ấy một điều vừa lớn lao, vừa giản dị nơi một con người - Tầm vóc Hồ Chí Minh.
118 trang sách rất ngắn. Nhưng hồi ức của một người đã có gần một phần tư thế kỷ làm thư ký riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết tinh được trong đó một tình yêu thương lớn của Bác Hồ dành cho mọi người và của mọi người dành cho Bác.
Tập hồi ký là những trang viết chân thực, kể về một việc làm thiêng liêng của lãnh tụ, một bậc vĩ nhân do chính người thư ký riêng gần gũi kể lại đã làm xúc động lòng người.
         3. Chuyện thường ngày của Bác Hồ / Hồng Khanh .- In lần thứ 4 .- H. : Thanh niên, 2007 .- 204 tr ; 19 cm .
        

      Cuốn sách này góp phần vào việc giúp các bạn  thanh niên tìm hiểu về con người vĩ đại của dân tộc ta qua đời thường bằng những mẩu chuyện sinh động. Một nét nổi bật trong cuộc sống đời thường thể hiện sự cao thượng của Bác Hồ là sự giản dị, gần gủi với mọi người, sống và làm việc như đồng bào , đồng chí.
        Những chuyện kể cũng cho chúng ta thấy những nhân vật gọi là nhân chứng đã phục vụ Bác Hồ trên hai mươi năm Người làm Chủ tịch nước. Những nhân chứng này cũng nêu gương sáng về tinh thần phục vụ Tổ quốc bằng sự săn sóc chu đáo người lãnh đạo của nhân dân ta.
          4. Di sản Hồ Chí Minh về Văn hóa, Đạo đức /GS.TS. Trần văn Bính .- Tp HCM. :Thông tin và Truyền thông ; 2010 .- 200 tr ; 20 cm.



      “ Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông, đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta ”. Chân lý đó đã làm rung động con tim mỗi người dân Việt Nam khi nhắc đến tên Người – Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta !
      Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến tất cả các lĩnh vực của đời sống từ kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, tôn giáo, … song lĩnh vực mà Người đề cập nhiều nhất chính là tư tưởng, đạo đức, lối sống. Hiếm có một vị  lãnh tụ nào mà cả cuộc đời lại là tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức, lối sống như Bác của chúng ta. Đó chính là một di sản tinh thần vô giá của dân tộc trong hành trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
5. Đường Bác Hồ đi cứu nước / Trình Quang Phú tuyển chọn và biên soạn .- Tái bản có sửa chữa và bổ sung .- H. : Thanh niên, 2007 .- 440 tr ; 10 cm.

        Cuốn “Đường Bác Hồ đi cứu nước ” – Trình Quang Phú chủ trì biên soạn từ hàng trăm tác phẩm và bài báo viết về Bác Hồ.
Tái bản lần này tác giả bổ sung nhiều tài liệu trọng yếu giúp bạn đọc hình dung đầy đủ hơn từng bước phát triển tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh từ tuổi niên thiếu, qua quá trình khám phá thế giới, sự tiếp cận của chủ nghĩa Mác – Lê Nin và quá trình nhen nhóm, đào tạo, tổ chức lực lượng cách mạng, con đường cứu nước giành độc lập dân tộc và tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Thế hệ nối tiếp thế hệ, thanh niên Việt Nam luôn phấn đấu “ Sống, lao động , học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” , với tất cả lòng nhiệt thành của tuổi trẻ và lòng kính yêu Bác vô hạn.
6. Đời vui có Bác Hồ : Hưởng ứng cuộc vận động  học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh / Nguyễn Văn Đồng sưu tầm , tuyển chọn .- H. : Quân đội nhân dân, 2008 .- 257 tr ; 19 cm.


 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, nhưng vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Nhân dân ta, đất nước ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người. Dù đã đi xa nhưng Người vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần :
Phần thứ nhất : Dấu ấn thời gian ( từ thuở thiếu thời đến lúc Người về cõi vĩnh hằng) ;
Phần thứ hai : Bác Hồ của chúng ta ( một số bài viết, lá thư tâm huyết, thơ chúc tết, … của Bác) ;
Phần thứ ba : Bác Hồ sống mãi ( một số bài thơ, ca từ viết về Bác của một số tác giả trong nước cũng như bạn bè quốc tế).
Cuốn sách là tấm lòng thành kính, là niềm tri ân sâu sắc với Bác Hồ - Người Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
7. Những mẫu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh / Ban tuyên giáo Trung ương .- H. : Chính trị Quốc gia ; 2009 - … .- 20,5 cm .
T1 .- 2009 .- 271 tr.
T2 .- 2009 .- 217 tr.
T1. : Gồm 66 câu chuyện.
T2. : Gồm 84 câu chuyện.
Qua các mẫu chuyện trong sách góp phần nâng cao nhận thức cho Cán bộ, Đảng viên, Công chức, Viên chức và nhân dân về giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo ra những chuyển biến trong ý thức tư tưởng, rèn luyện và hành động theo tấm gương Bác Hồ, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; giáo dục và hướng con người tới cái chân, thiện, mỹ.  
Những nội dung của từng câu chuyện hết sức chân thật và thực sự bổ ích cho bạn đọc.
8. HỒ CHÍ MINH Biên niên hoạt động 1911- 1929 / Đỗ Hoàng Linh biên soạn .- H. : Văn hóa – Thông tin ; 2010 .- 282 tr ; 20,5 cm.


 Ngày 5/6/1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng bắt đầu hành trình cứu nước. Trải qua sóng gió của các đại dương và nổi nhọc nhằn của một người phụ bếp, biết bao hình ảnh sống động về sự cùng khổ của những người lao động nói chung và người dân thuộc địa nói riêng đã khắc sâu vào tâm thức người thanh niên yêu nước, tạo nên động lực mạnh mẽ, thôi thúc anh quyết tâm tìm đường giải phóng cho nhân dân và giành độc lập cho dân tộc. Nguyễn Tất Thành đã tham gia các tổ chức xã hội ở Pháp, mở đầu cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân bằng bản Yêu sách của nhân dân An Nam và các bài báo phê phán, đả kích chủ nghĩa thực dân dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc; Anh đã tham gia các hoạt động văn hóa, chính trị phong phú trên đất Pháp và tổ chức Hội liên hiệp thuộc địa, ra báo Người cùng khổ. Sau khi gia nhập đảng Xã hội Pháp và trở thành một trong những yếu nhân sáng lập ra đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đi theo tư tưởng cách mạng của Lê Nin. Anh Nguyễn được sang Liên Xô để tham dự các hoạt động của Quốc tế cộng sản và Quốc tế nông dân. Từ đất nước của Lê Nin, anh Nguyễn được cử đi xây dựng phong trào cách mạng ở Trung Quốc, Thái Lan, Đức, Bỉ, Pháp và quay lại Hương Cảng để chuẩn bị cho hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam.
Nội dung hoạt động của giai đoạn 1911 – 1929 được xây dựng theo phương thức biên niên sự kiện, có trích dẫn một số tài liệu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như hồi ký của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm minh họa rõ nét những hoạt động trong quảng thời gian hơn 18 năm vô cùng phong phú, sinh động từ một anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trở thành một nhà cách mạng quốc tế Nguyễn Ái Quốc.
9. HỒ CHÍ MINH tên Người là cả một niềm thơ : tuyển chọn những bài thơ hay về Bác Hồ / Nhiều tác giả .- In lần thứ 6 .- Đà Nẵng : Kim Đồng ; 2010 .- 147 tr ; 19,5 cm.



Đề tài Bác Hồ là một sự hấp dẫn lớn đối với các thi sĩ, là nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ cạn, là dòng sông thơ tuôn chảy mãi không ngừng và hòa tan trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè khắp năm châu.
Hồ Chí Minh – tên Người là cả một niềm thơ” gồm 50 bài thơ hay viết về Bác Hồ, được sắp xếp theo thứ tự thời gian với bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam.
        Hy vọng cuốn sách sẽ mang lại cho các bạn trẻ một món quà tinh thần vô giá.
          10. Theo Bác đi chiến dịch /Ngọc Châu .- Tp. HCM : Trẻ ; 2004 .- 238 tr ; 20 cm.
         

          
      Tác giả nguyên là đại tá, Cục trưởng Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh CAND vũ trang đã từng công tác ở đơn vị cảnh vệ, trực tiếp bảo vệ  Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc rồi về thủ đô Hà Nội. Mỗi lần được theo Bác đi công tác, được Bác dạy bảo, … đều là những kỷ niệm ghi nhớ suốt đời của Cán bộ , Chiến sĩ.
       Bằng những tài liệu xác thực, tác giả đã viết lại nhiều kỷ niệm mà chính bản thân hoặc đồng đội của tác giả đã sống qua những ngày làm nhiệm vụ bảo vệ Bác.
          
       Với các ấn phẩm được chọn lọc nêu trên - trong hàng nghìn ấn phẩm được lưu giữ và phục vụ tại Thư viện – hy vọng sẽ mang lại cho Quý bạn đọc một món quà tinh thần vô giá.

      Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ./.