KỈ
NIỆM 71 NĂM NGÀY QUỐC KHÁNH 2/9/1945
LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA
Quốc khánh 2/9 đã trở
thành một mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam trong suốt chặng đường 71 năm
qua. Cùng nhìn lại lịch sử và ý nghĩa của ngày lễ này.
Ngày 2/9/1945, trên lễ đài
lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử đã diễn ra một cuộc mít tinh đông đảo. Hơn
50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ
đón giờ khai sinh của chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong không khí náo nức ấy,
Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su tiến ra
trước máy phát thanh. Thay mặt Chính phủ lâm thời - tức Ủy ban Dân tộc giải
phóng Trung ương - Người đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập. Tuyên bố với quốc dân đồng
bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.
Tuyên ngôn khẳng định: “Một
dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan
góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xit mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự
do, dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc
lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt
Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững
quyền tự do và độc lập ấy”.
Từ đây với tư cách người
chủ thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
đã kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến. Ba mươi
năm sau ngày "Tuyên ngôn Độc lập", năm 1975, Đảng ta, quân dân ta đã
hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc
thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc- dân chủ, tiến hành thống nhất nước nhà.
Hơn 50 vạn người dân
đại diện cho mọi tầng lớp nô nức đến dự mít tinh.
|
Tổ quốc ta được độc lập,
nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi
mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và
tầm vóc lớn lao đó, ngày 2 tháng 9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày
Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng
đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao
đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Và cũng
bắt đầu từ Tuyên ngôn 2/9, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới.
Phấn khởi và tự hào, tất cả
mọi công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ hy sinh,
không tiếc của cải và cả xương máu của mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. 69
năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh không gì so sánh nổi của cả dân
tộc để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.
Bảo Yến. Ảnh: Tư liệu TTXVN