Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

     TUYỆT ĐẸP CẢNH SẮC ĐÈO LE QUẾ SƠN

Dừng chân tại  Đèo  Le ( huyện Quế  Sơn, tỉnh  Quảng Nam), người đi đường có  thể  ngắm  nhìn  những nếp  nhà, làng mạc nằm gọn dưới chân núi. Khám  phá  vùng đất  này, họ sẽ cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của  núi rừng và  cảm nhận sự chân chất, mộc  mạc  của người  dân nơi đây. Men theo tuyến đường ĐT 611 quanh co, chúng  tôi đã đặt  chân đến vùng đất  Đèo Le, huyện Quế Sơn. Hai bên  đường  lác đác vài hàng quán mọc lên với tấm bảng hiệu chào  mời  gà tre Đèo Le ( loài gà đặc sản của người dân Quế Sơn). Dưới chân Đèo Le, không khí của ngày hè oi  bức dường như vụt tan biến, thay  vào  đó là  những luồng gió  mát  lạnh đến tê người. Đưa mắt về hướng Đông của huyện Quế Sơn, người đi đường có thể thấy làng mạc nằm đan xen giữa màu xanh bạt ngàn của  cây  lá. Đặc biệt, trên  đỉnh  Đèo Le  hiện  hữu Suối Nước Mát  có  dòng  nước  chảy  xiết  quanh  năm. Âm thanh nước từ nguồn chảy về va vào vách  núi  đá  như  một bản nhạc trữ  tình  ngân  nga  bốn  mùa  giữa  đại  ngàn.  Du khách lần đầu tiên đặt  chân  đến  nơi  này  phải  ngỡ  ngàng trước vẽ đẹp ấy.


Dưới chân Đèo Le, hàng quán bán đặc sản gà tre Đèo Le chào mời du khách. 


Những tảng đá đan xen với cây lá trên vách núi Đèo Le.


Hoa gòn nở trắng xóa hai bên đường

Đứng trên đỉnh nhìn về dưới chân đèo, một góc nhỏ huyện Quế Sơn hiện ra khá đẹp và quyến rủ.
 

Loài hoa khoe sắc vàng trên những nếp nhà dưới chân Đèo Le.
 



Trên đỉnh Đèo Le hiện hữu suối Nước Mát có nước chảy xiết quanh năm.



Hồ bơi trong lành giữa đại ngàn.

Đứng tại Đèo Le nhìn làng mạc nằm lọt thỏm giữa núi rừng



Cảnh vật độc đáo, hoang vu.





Hoa rừng hòa cùng cuộc sống của người dân địa phương.





Hoa phượng rực rỡ giữa núi rừng ngày đầu hè.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

THƯ MỤC GIỚI THIỆU SÁCH VỀ QUÊ HƯƠNG QUẾ SƠN



       + Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Sơn 1930 – 1975/ Đảng bộ huyện Quế Sơn.- Tái bản lần thứ 1.- Quế Sơn, 2011.- 596 tr. + ảnh; 21cm.
Nội dungQuế Sơn là địa phương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Từ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo Nghĩa hội (1885-1887) lấy Quế Sơn làm căn cứ Tân Tỉnh, đến Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, biết bao người con ưu tú của Quế Sơn đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Đảng bộ Quế Sơn sớm ra đời đã lãnh đạo nhân dân huyện nhà cùng với nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ một chi bộ ghép với những Đảng viên đầu tiên, đến nay đội ngũ Đảng viên ngày càng tăng cả số lượng và chất lượng, các tổ chức cơ sở Đảng được hình thành, Đảng bộ huyện Quế Sơn lớn mạnh không ngừng, đã khẳng định được vai trò lãnh đạo trong mọi giai đoạn lịch sử.Đảng bộ và Nhà nước đã ghi nhận những chiến công và vinh danh nhiều danh hiệu tập thể, cá nhân anh hùng, phát huy được truyền thống cách mạng.
        Cuốn "Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Sơn 1930 – 1975" ghi lại những chiến công của Đảng bộ và nhân dân Quế Sơn ngày đó vừa làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo, giáo dục lòng tự hào truyền thống đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà cho các thế hệ.

+ Chiến thắng Cấm Dơi/ Huyện Ủy Quế Sơn.- Quế Sơn: Tam Kỳ, 2012.- 239 tr. + ảnh; 21 cm.
        Nội dung: Ngày 19/8/1972, tại thung lũng Quế Sơn, lực lượng vũ trang Quân khu 5 cùng với quân và dân huyện Quế Sơn đã lập nên một chiến công vang dội: tiêu diệt căn cứ Cắm Dơi, giải phóng quận lỵ Quế Sơn, chọc thủng tuyến phòng ngự phía Tây Nam của căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, uy hiếp Tỉnh đường Quảng Tín của Mỹ - ngụy.
         Chiến thắng Cấm Dơi- Quế Sơn là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng cuả Đảng bộ và nhân dân huyện Quế Sơn. Chiến thắng Cấm Dơi đã thể hiện sự đúng đắn, sáng tạo trong  chỉ đạo của Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, của Tỉnh ủy Quảng Nam trong việc lựa chọn trận đánh then chốt, trong việc sử dụng lực lượng, bố trí binh hỏa lực. Chiến thắng Cấm Dơi còn là thắng lợi của lòng quả cảm vô song của các lực lượng vũ trang Quân khu 5, lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân huyện Quế Sơn.
         
       + Chiến thắng Quế Sơn/ Huyện ủy Quế Sơn.- Tái bản lần thứ nhất.- Quế Sơn, 2009.- 183 tr. + nhiều ảnh; 21 cm.
          Nội dung:" Chiến thắng Quế Sơn"- Nêu bật những đỉnh cao chiến thắng của quân và dân Quế Sơn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước; những thành tựu nổi bật trong xây dựng mới hiện nay để nhân dân toàn huyện học tập, để những người suy tưởng những năm tháng đấu tranh, chiến thắng đã qua, để nhắc nhở mọi người biết ơn  những đồng bào, đồng chí đã hy sinh cho đất nước, cho Quế Sơn rạng rỡ hôm nay mà góp sức xây dựng cuộc sống của ngày mai.
          
         + Hòn Tàu đi cùng năm tháng/ Huyện ủy Quế Sơn.- Quế Sơn, 2013.- 144 tr. + ảnh; 19 cm.
          Nội dung: Hòn Tàu là hệ thống núi đồ sộ nằm trong vùng “ tam biên” của ba huyện Quế Sơn, Duy Xuyên và Nông Sơn, vừa có giá trị về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, quân sự, kinh tế, văn hóa, vừa mang ý nghĩa lịch sử hết sức đặc biệt đối với tỉnh Quảng Nam, khu 5 và  cả nước nói chung trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ.  
          “Hòn Tàu đi cùng năm tháng”  là món quà đằm thắm thú vị đối với quân và dân Quế Sơn, Nông Sơn, bạn đọc gần xa cùng những ai đã từng sống, chiến đấu gắn bó với dãy núi Hòn Tàu kỳ vĩ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
          
          + Quế Sơn- Đất và Người kiên trung/ Huyện ủy Quế Sơn.- Quế Sơn, 2014.- 304 tr. + 6 ảnh; 21cm.
          Nội dung: “Quế Sơn – Đất và Người kiên trung” Giới thiệu với bạn đọc những tấm gương dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, khôn khéo, kiên cường trong đấu tranh cách mạng; một số trận đánh tiêu biểu, những tình cả gắn bó quân dân và sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
          Những bài viết trong “Quế Sơn- Đất và Người kiên trung” lưu dấu  một thời đấu tranh đầy gian khổ hy sinh trên mảnh đất Quế Sơn anh hùng: Và là tư liệu  góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ mai sau.
          
          + Quế Sơn- Hành trình phát triển/ Nhiều tác giả.- Quế Sơn, 2015.- 278 tr. + 8 ảnh; 21cm.
          Nội dung: Quế Sơn- một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và văn hóa, quê hương "Ngũ Phụng Tề Phi", xứ sở "Địa linh  nhân kiệt". Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ xâm lược; Nơi đây là căn cứ địa cách mạng vững chắc của khu ủy V, đặc khu ủy Quảng Đà và Tỉnh ủy Quảng Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Quế Sơn luôn nêu cao truyền thống kiên cường bất khuất, chịu đựng hy sinh, quyết tâm bám đất giữ làng- chiến đấu và giữ vững từng tấc đất của quê hương, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần viết nên những trang sử oai hùng của dân tộc.Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người dân Quế Sơn tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, chịu thương chiụ khó, cần cù và sáng tạo trong lao động, sản xuất và học tập, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
       “Quế Sơn- Hành trình phát triển” tập hợp, giới thiệu một số nét về mảnh đất và con người Quế Sơn cũng như những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh- quốc phòng trong chặng đường phấn đấu đạt được của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện nhà; Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng huyện Quế Sơn(26/3/1975- 26/3/2015).
         
        + QUẾ SƠN- THỌ XUÂN nghĩa tình son sắc/ Huyện ủy Quế Sơn , Huyện ủy Thọ Xuân.- Quế Sơn, 2015.- 176 tr.  + nhiều hình ảnh; 19 cm.
         Nội dung: Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, nhằm phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả nước để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, các tỉnh thành, huyện thị của miền Bắc và miền Nam tổ chức  kết nghĩa với nhau. Tỉnh Quảng Nam kết nghĩa với tỉnh Thanh Hóa. Huyện Quế Sơn ( Quảng Nam ) kết nghĩa với huyện Thọ Xuân ( Thanh Hóa ). Từ đây Quế Sơn - Thọ Xuân tăng cường hỗ trợ, chi viện cho nhau về sức người, sức của, động viên nhau về mặt tinh thần để cùng kháng chiến, kiến quốc.
         Tập sách ”Quế Sơn- Thọ Xuân nghĩa tình son sắc” ghi lại những sự kiện, việc làm đầy trách nhiệm và tình nghĩa thủy chung, son sắc mà Đảng bộ và nhân dân hai huyện đã dành cho nhau suốt 45 năm qua.
           
         + QUẾ SƠN văn hóa thắng cảnh/ Phòng VHTT huyện Quế Sơn.- Quế Sơn: Đà Nẵng, 1999.- 104 tr. + nhiều hình ảnh; 19 cm.
          Nội dung: Quế Sơn – vốn được thiên nhiên ban tặng hình sông, thế núi, tạo nên cảnh vật nên thơ, lẫn chút lãng mạn và hùng vĩ với Hòn Kẽm Đá Dừng, Đèo Le, Hòn Tàu, Cấm Dơi, Nông Sơn, Suối Tiên và những nét đẹp về nghề, làng nghề truyền thống. Cùng với những giá trị văn hóa đôn hậu- đó là những tên đất, tên người mang dấu ấn lịch sử khó quên, được lưu truyền và giữ gìn đến ngày nay.
         “Quế Sơn- Văn hóa thắng cảnh” viết về một vùng văn hóa và những di tích, thắng cảnh, … giúp bạn đọc có dịp tiếp cận, tìm hiểu về vùng đất Quế Sơn với những chuyến đi tham quan, du lịch lý thú, với những ý định nghiên cứu sâu hơn, hoặc hợp tác khai thác những tiềm năng thế mạnh riêng mà không nơi nào có được.